21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2392487
796191
Phát triển du lịch xanh, bền vững
phat-trien-du-lich-xanh-ben-vung
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Để phát triển du lịch xanh, Quảng Ninh đã nhất quán chủ trương mở rộng không gian phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường. 

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, riêng trong năm 2017, du lịch và lữ hành toàn cầu đã đóng góp trực tiếp vào GDP hơn 2,3 nghìn tỷ USD (tương đương 3,1%), trực tiếp tạo ra gần 109 triệu việc làm (chiếm 3,6% tổng việc làm trên toàn cầu). Du lịch xanh đã trở thành xu thế toàn cầu và là trọng tâm triển khai của Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ các quốc gia phát triển kinh tế và được các quốc gia hưởng ứng, coi trọng.

Đối với Việt Nam, trong 10 năm qua, thu nhập xã hội từ du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 20%, tỷ lệ đóng góp cho GDP tăng từ 1,76% năm 1994 lên 7,5% năm 2017. Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới. Du lịch đã trở thành một trong 5 ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất đất nước ta với trên 20 tỷ USD hằng năm. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ Tổng cục Du lịch, nhìn thẳng vào thực tế, năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam mới xếp hạng 75/141 nền kinh tế, kém các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn, khác biệt. Các chính sách liên ngành đảm bảo điều kiện để ngành du lịch phát triển thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh còn thiếu tính đồng bộ. Chất lượng dịch vụ nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội còn nhiều bất cập.

Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, nền văn hóa và lịch sử đặc sắc, sự phát triển năng động của nền kinh tế, cùng với lòng hiếu khách của người dân, du lịch Quảng Ninh đã có những bước phát triển mạnh, ấn tượng ngày càng đóng góp to lớn cho nền kinh tế đất nước. Từ những chính sách và chiến lược phát triển du lịch, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh đã diễn ra sôi động từ đô thị đến nông thôn, từ vùng ven biển, hải đảo đến vùng núi. Phát triển du lịch góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho các tầng lớp dân cư trong xã hội, góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo.

Để phát triển du lịch xanh, Quảng Ninh đã nhất quán chủ trương mở rộng không gian phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường. Tỉnh đã xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng đưa di sản thành sản phẩm du lịch: Bảo tồn và khai thác tốt nhất Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử, hệ thống di tích nhà Trần, khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng và trên 500 di tích khác của tỉnh, tạo thêm các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng phát triển hệ thống các làng văn hóa thành làng du lịch cộng đồng tiêu biểu với những bản sắc, sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng của địa phương.

Bên cạnh việc ưu tiên cho các dự án phát triển du lịch thân thiện với môi trường, tỉnh cũng đã có chính sách quản lý nhằm hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong phát triển sản phẩm du lịch, du lịch sinh thái… Quảng Ninh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch cho các điểm tham quan nhằm hướng tới chất lượng, hiệu quả cạnh tranh và lấy mức độ hài lòng của khách hàng để xác định chất lượng của dịch vụ.

Nhưng để phát triển du lịch xanh, bền vững thì cần chính quyền địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp địa phương và người dân phải nhìn chung một hướng. Đó là sự đồng tâm, nhất quán từ quan điểm đến hành động, phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường chứ không chạy theo tăng trưởng về số lượng du khách.

Thanh Phong

 

 

Cùng chuyên mục