21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2360393
738728
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
phat-trien-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch.

Cụ thể là tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các quan điểm mới của Đảng về bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch trong thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện báo chí để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch trong xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, bảo đảm du lịch là một trong những nội dung thường xuyên, tập trung trong chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng...

Bên cạnh đó, thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Các địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch, bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch...

Cùng với đó là ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch; ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; sửa đổi, bổ sung danh mục ưu đãi đầu tư, trong đó có các dự án du lịch tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật liên quan để tạo sự phát triển đột phá cho ngành du lịch...
Ngoài ra, Chương trình cũng nêu rõ một số nhiệm vụ khác, trong đó đáng chú ý là việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch như đường bộ, đường sắt, đường không, đường thuỷ, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn du lịch trọng điểm và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển du lịch, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái...

Việc Chính phủ ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là cơ sở quan trọng, là những định hướng cụ thể cho việc phát triển du lịch trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa phương, nhất là những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Trên cơ sở này các ngành, địa phương sẽ cụ thể hoá thành những chương trình, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu của ngành, địa phương mình để sớm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Quảng Ninh là vùng đất được ví như hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam, với rất nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Vì vậy, trong định hướng phát triển tỉnh luôn xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, việc huy động, khai thác các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển, trong đó có du lịch được đặc biệt quan tâm, như đồng bộ, kết nối hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng, sân bay quốc tế, cảng tàu khách, các trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí chất lượng cao, điểm dừng nghỉ hiện đại, đổi mới mô hình quản lý đối với Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh du lịch v.v.. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh đã có sự bứt phá rõ nét, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước, thời gian lưu trú kéo dài hơn, doanh thu từ du lịch, dịch vụ tăng cao, nhất là thu từ hoạt động tham quan Vịnh. Những đổi thay, chuyển biến tích cực này đã được du khách ghi nhận, đánh giá cao và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng họ...

Trên những nền tảng vững chắc đó, cộng với những giải pháp, nhiệm vụ, định hướng trong Chương trình hành động của Chính phủ vừa được ban hành sẽ là những cơ sở, điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra...

Thanh Tùng

Cùng chuyên mục