Theo từ điển bách khoa, lễ hội tại Việt Nam là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. "Lễ" là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. "Hội" là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 609 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 4 khu di tích quốc gia đặc biệt, 54 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 79 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 472 di tích kiểm kê, phân loại. Quảng Ninh có gần 80 lễ hội truyền thống, diễn ra chủ yếu vào dịp đầu xuân năm mới. Trong đó, có rất nhiều lễ hội văn hoá đã trở thành những điểm đến du lịch thu hút đông đảo du khách, như hội Xuân Yên Tử (TP Uông Bí), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), Lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu)…
Nhìn chung, các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Cách tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa phần lễ và phần hội, bao gồm giữa nghi thức theo quy định của Nhà nước, tín ngưỡng dân gian và các trò chơi truyền thống… Các lễ hội không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng có công xây dựng, bảo vệ đất nước và những bậc tiền nhân đã truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng là dịp quảng bá cho du khách trong và ngoài nước thấy được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như những phong tục, tập quán của nhiều vùng, nhiều dân tộc sinh sống ở các địa phương trong tỉnh.
Có thể nói rằng, Quảng Ninh có nền văn hoá phong phú và giàu bản sắc. Tuy nhiên, việc tạo ra các dấu ấn văn hoá, thu hút du khách thập phương về với lễ hội để trải nghiệm không gian văn hoá đặc trưng của các dân tộc, các vùng miền vẫn còn hạn chế. Phần lớn du khách đến với lễ hội của Quảng Ninh là đi chiêm bái, lễ Phật đầu năm. Về một góc độ nào đó, để du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững, phát triển thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, Quảng Ninh cần tăng cường hơn nữa việc phát huy các giá trị văn hoá bản địa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tăng sự trải nghiệm cho du khách.
Nhiều năm nay, khách đến du lịch tại Quảng Ninh tuy có sự tăng trưởng nhưng số ngày lưu trú của du khách lại thấp, khách chi tiêu ít, dẫn đến doanh thu không cao. Mặc dù địa phương đang sở hữu một số điểm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới nhưng lợi nhuận thu được từ du lịch vẫn còn khiêm tốn.
Văn hóa chính là chìa khóa tạo sự khác biệt và sức cạnh tranh của mỗi điểm đến du lịch. Một trong những xu thế chính hiện nay của du lịch trên thế giới là khám phá và trải nghiệm văn hóa cư dân bản địa. Các lễ hội văn hoá là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Vì thế, việc gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa địa phương có vai trò hết sức quan trọng.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã coi trọng các yếu tố văn hoá bản địa để xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, mang lại sự trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, giữ chân du khách ở lâu hơn, chi phí nhiều hơn. Tỉnh rất cần tiếp tục giữ gìn và phát huy tối đa giá trị văn hóa; nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hóa bản địa, làm nổi bật giá trị truyền thống, riêng có của Quảng Ninh.
Thanh Phong