Lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh tiến hành điều tra sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi chung là chỉ số SIPAS) và cũng lần đầu tiên kết quả điều tra này được công bố. Dù rằng phạm vi của cuộc điều tra nghiên cứu mới chỉ thực hiện ở 7 địa phương (Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Hoành Bồ, Đầm Hà, Vân Đồn, Tiên Yên), 6 bộ thủ tục hành chính (3 mẫu phiếu điều tra thực hiện ở cấp huyện: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, cấp mới, cấp đổi lại sổ hộ khẩu; 3 mẫu phiếu điều tra thực hiện ở cấp xã: Cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và dịch vụ chứng thực), 3.960 phiếu phát ra, 3.013 phiếu thu về nhưng kết quả cho thấy sự rất quan tâm của người dân.
Điều đáng quan tâm từ kết quả của cuộc điều tra là người dân đã thấy hài lòng với việc cung cấp dịch vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, với sự công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, sự đổi mới trong phục vụ người dân ở cấp xã… Tất nhiên đó chưa phải là sự “rất hài lòng” nhưng cho thấy sự chuyển biến tích cực của cả bộ máy trong xây dựng chính quyền phục vụ.
Trước SIPAS, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Với 8 chỉ số thành phần được đưa ra (tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, vai trò người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương) nhằm tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền, các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành. Hai năm liền (2015, 2016) DDCI Quảng Ninh được công bố đã khẳng định sự tiếp nối các sáng kiến đổi mới, phá vỡ sức ỳ, sự tự mãn với những kết quả đã đạt được từ chính suy nghĩ, nhận thức của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền cấp huyện. Điều đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân ghi nhận tinh thần dũng cảm của chính quyền trong lắng nghe và dũng cảm trong hành động xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.
Cùng với DDCI hiện tỉnh đang triển khai bộ công cụ khảo sát mạng xã hội (SNA) nhằm đánh giá sự hài lòng, cảm nhận của doanh nghiệp từ cấp cơ sở, cấp phòng, ban của sở, ngành và cấp xã, phường, thị trấn với sự tham gia của 17 đơn vị thông qua bộ công cụ khảo sát mạng xã hội từ fanpage DDCI của tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Như vậy thông qua các kênh thông tin, Quảng Ninh sẽ nắm bắt được đầy đủ nhất những đánh giá của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính, điều hành kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh….
Thời gian qua đã có gần 60 tỉnh, thành phố đến nghiên cứu cách làm của Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị…. Nhưng Quảng Ninh không được tự mãn với việc mình đang đứng ở vị trí á quân PCI toàn quốc, hay là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng cho phép thành lập và vận hành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện, tỉnh đầu tiên có bộ chỉ số DDCI bài bản. Bởi tinh thần cải cách của Chính phủ đang được chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt và lan tỏa mạnh mẽ ở tất cả các tỉnh, thành phố. Trong cuộc đua “lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc” là sự cạnh tranh rất gay gắt về chất lượng điều hành của mỗi tỉnh. Vì vậy, với SIPAS, DDCI, PCI, PAPI, Quảng Ninh không chỉ trao quyền cho người dân, doanh nghiệp đóng góp tiếng nói vào thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh, sự phục vụ của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước mà còn đặt các cơ quan, đơn vị vào tâm thế thường trực cải cách, phá vỡ sức ỳ, sự tự mãn, kích thích sự nỗ lực đổi mới để không bị tụt hậu.
Ngọc Lan