21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2361097
739483
Phá rừng và lũ lụt…
pha-rung-va-lu-lut
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Phá rừng và lũ lụt…

Thời gian gần đây, dư luận cả nước "nóng" lên bởi các vụ chặt phá rừng với quy mô lớn xảy ra ở nhiều địa phương, như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh ở khu vực Tây Bắc. Riêng vụ phá rừng xảy ra ở xã An Hưng, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, được phát hiện vào cuối tháng 9 vừa qua đã hủy hoại gần 61 ha rừng đầu nguồn...

Thời gian gần đây, dư luận cả nước “nóng” lên bởi các vụ chặt phá rừng với quy mô lớn xảy ra ở nhiều địa phương, như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh ở khu vực Tây Bắc. Riêng vụ phá rừng xảy ra ở xã An Hưng, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, được phát hiện vào cuối tháng 9 vừa qua đã hủy hoại gần 61 ha rừng đầu nguồn. Ở tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 10 vụ phá rừng, với tổng diện tích bị chặt phá hơn 24 ha, nhiều tiểu khu bị xóa sổ. Ở tỉnh Phú Yên cũng mới phát hiện vụ chặt phá hơn 100 ha rừng đầu nguồn, phòng hộ. Còn ở khu vực Tây Bắc, theo cơ quan chức năng, mỗi năm cũng đã có hàng ngàn ha rừng bị chặt phá, trong đó điển hình là ở tỉnh Điện Biên…

Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây cũng nổi lên một số vụ chặt phá rừng với diện tích lớn xảy ra ở Hoành Bồ, Ba Chẽ. Đó là chưa kể những vụ chặt phá rừng nhỏ lẻ và cháy rừng xảy ra ở hầu hết các địa phương có rừng của tỉnh…

Các vụ chặt phá rừng đầu nguồn, phòng hộ, đặc dụng với quy mô lớn làm “nóng” dư luận cả nước thời gian qua, nhưng có lẽ nó vẫn chưa “nóng” bằng sự mất mát, đau thương, thiệt hại về người và tài sản do đợt mưa, lụt mới xảy ra cách đây ít ngày. Theo thông tin mới nhất từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 21 giờ ngày 14/10, trận mưa lũ đã làm 68 người chết, mất tích 34 người, sập đổ, hư hỏng 221 nhà, ngập nước 46.177 nhà, 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi... Các tỉnh có số người chết và mất tích nhiều là Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Nghệ An, Sơn La…

Bên cạnh sự thiệt hại về người, thì thiệt hại về hoa màu, cây trồng cũng là con số vô cùng lớn.  Nhiều khu vực, địa phương, xóm làng bị nước lũ cô lập, chìm trong biển nước dài ngày…

Lý giải về sự gia tăng của các hình thái thời tiết cực đoan (bão gió, ngập lụt, nóng lạnh bất thường…) trong thời gia vừa qua, nhiều người cho rằng đó là hệ quả của sự biến đổi khí hậu. Điều này là đúng và là nguyên nhân sâu xa dẫn tới các vụ thiên tai nghiêm trọng, kinh hoàng. Tuy nhiên, nếu nói như vậy thì chưa đủ, bởi một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các hiện tượng thiên tai phải kể đến nạn tàn phá rừng trên phạm vi rộng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trên cả nước, từ tháng 6/2016 đến hết tháng 9/2017, đã phát hiện 23.500 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ, phát triển rừng; diện tích rừng bị xâm hại trên 2.100ha… Rõ ràng giữa chặt phá rừng và lũ lụt có mối quan hệ biện chứng, là quy luật nhân - quả trong thực tế cuộc sống hiện nay. Điều này được chứng minh là ở khu vực, địa phương nào rừng bị chặt phá nhiều, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ thì ở đó tình trạng mưa lũ, ngập lụt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn và ngược lại. Điển hình là ở địa bàn các tỉnh Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên thời gian qua…

Điều đáng nói là hầu hết mọi người đều hiểu và ý thức được rằng tàn phá rừng, tác động quá mức vào môi trường thiên nhiên đều để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây ra những thảm họa kinh hoàng. Thế nhưng, việc ra tay để ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng này thì dường như kết quả đạt được lại rất khiêm tốn. Nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng đã được tăng cường triển khai, tuy vậy diện tích rừng tự nhiên ở một số địa phương vẫn giảm. Số diện tích trồng mới, phát triển rừng hàng năm tuy có tăng, nhưng phần lớn lại là rừng sản xuất. Còn các cánh rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, nguồn sinh thủy, phòng chống mưa lũ thì công tác bảo vệ, giữ gìn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Và để khôi phục được các loại rừng này đòi hỏi thời gian phải dài, chi phí lớn…

Do vậy, để ngăn ngừa các thảm họa thiên tai (hạn hán, lũ lụt, giông bão, sạt lở đất…) thì cần phải có những chiến lược, giải pháp bài bản, khoa học, hiệu quả hơn. Trước hết, công tác quản lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải thật sự hiệu quả, không thể viện ra lý do rừng ở sâu, ở xa để mà buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Cùng với đó là phải xử lý thật nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân thường xuyên để xảy ra tình trạng tàn phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn. Đặc biệt là với các tổ chức, cá nhân tiếp tay, làm ngơ cho lâm tặc phá rừng thì phải có hình thức xử lý thật nghiêm khắc. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu, xem xét có các biện pháp, cách thức, phương án phối hợp bảo vệ rừng thật sự hiệu quả,từ các cơ quan chức năng quản lý và bảo vệ rừng, chính quyền các địa phương có rừng đến các chủ rừng, người dân được giao rừng.

Và đặc biệt cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng được các bộ, ngành, địa phương đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, vừa diễn ra tại Hà Nội, ngày 14/10 vừa qua. Trong đó, trọng tâm là quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên hiện có; quan tâm khôi phục, phát triển diện tích rừng, nhất là rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cũng như kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra tình trạng chặt phá rừng. Trước mắt, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo, rừng ven biển và rừng phòng hộ sang rừng sản xuất…

Các bài học nhãn tiền về hậu quả của việc chặt phá rừng đã quá rõ. Nếu không nhanh chóng, quyết liệt có các biện pháp ngăn chặn, khắc phục thì cái giá phải trả chắc chắn sẽ còn lớn và nghiêm trọng hơn nhiều…

Thanh Tùng

Cùng chuyên mục