Tính từ năm 2005 khi PCI (bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) lần đầu tiên được công bố đến nay đã thực sự là chìa khóa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo áp lực cải cách ở mỗi địa phương.
Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển của doanh nghiệp dân doanh đã thúc đẩy các tỉnh phải sốt ruột cải cách, còn doanh nghiệp phải thể hiện được vai trò là đối tác, khách hàng của chính quyền địa phương. Với những điều tra mang tính độc lập (không phải từ cấp dưới báo cáo lên) thông qua 10 chỉ số thành phần (chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; cơ sở hạ tầng; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý), doanh nghiệp được nói hết những vấn đề, tâm tư, nguyện vọng của họ mà không phải e ngại trong sự mích lòng. Với sự tham gia "chấm điểm" của khoảng 10.000 doanh nghiệp, PCI đã góp phần rất quan trọng nói lên tiếng nói thật, trung thực của doanh nghiệp.
Cũng tính từ khi PCI được thực hiện đến nay, việc cải thiện môi trường đầu tư của mỗi địa phương không còn được doanh nghiệp nhìn nhận đánh giá cao ở chuyện xé rào để thu hút đầu tư nữa, mà ở những sáng kiến cải tiến, sáng tạo không vi phạm pháp luật, vi phạm chủ trương, chính sách chung của cả hệ thống, không tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh đầu tư.
Những sáng kiến cải cách của các địa phương đã thể hiện rõ sự coi trọng của chính quyền đối với doanh nghiệp như một đối tác, một khách hàng. Như ở Quảng Ninh đó là cải cách hành chính từ xây dựng trung tâm hành chính công tỉnh, các trung tâm cấp huyện; vận hành cơ quan xúc tiến đầu tư chuyên biệt; sắp xếp tổ chức, bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đột phá mạnh mẽ vào đầu tư phát triển hạ tầng đón đầu, tạo nền cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự thuận lợi; tiếp xúc đối thoại doanh nghiệp hàng quý, theo chuyên đề; cà phê doanh nhân để cởi mở tấm lòng… Song cùng với các chỉ số đánh giá của PCI thì Quảng Ninh cũng có những bộ chỉ số đánh giá của riêng mình đối với cấp ngành trực thuộc như DDCI, SIPAS, cải cách hành chính… Năm 2016 khi lần đầu tiên vươn lên đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã khẳng định, Quảng Ninh coi PCI như tấm gương soi để sửa mình, việc hỗ trợ doanh nghiệp - đối tượng đặc biệt có cơ hội phát triển tốt tại địa bàn là điều mà tỉnh luôn trăn trở và ý thức phải hành động.
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hiện các địa phương đều đang hướng tới mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường và hoạt động hiệu quả nên đều chủ động xây dựng cơ chế tiếp nhận, phản hồi hiệu quả hơn từ cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường tính tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin khác nhau, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí… Chính quyền ngày càng coi trọng doanh nghiệp như đối tác, khách hàng, tăng cường quyền năng giám sát của doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức, vận hành của cả bộ máy, hệ thống chính trị của địa phương. Nhưng để tạo môi trường đầu tư thực sự lành mạnh thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn trong nói thẳng, nói thật, trung thực. Đó chính là câu chuyện về hai bàn tay vỗ mới nên tiếng, là cùng đi, cùng đến và cùng hiệu quả.
Ngọc Lan