21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2387216
788969
Ổn định "đầu ra" cho nông sản
on-dinh-dau-ra-cho-nong-san
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Ổn định "đầu ra" cho nông sản

Sau 2 vụ liên tiếp rơi vào cảnh mất mùa, năm nay cây vải chín sớm ở Bình Khê dự kiến cho sản lượng gần 500 tấn (tăng gần gấp đôi so với năm 2017), trên diện tích trồng hơn 250ha.

Bước vào đầu mùa vải năm nay, các hộ trồng giống vải chín sớm ở xã Bình Khê - Đông Triều, nơi được coi là vùng trồng vải lớn nhất của địa phương và cũng là một trong những vùng trồng nhiều vải của tỉnh, rất phấn khởi vì vừa được mùa, vừa được giá. Sau 2 vụ liên tiếp rơi vào cảnh mất mùa, năm nay cây vải chín sớm ở Bình Khê dự kiến cho sản lượng gần 500 tấn (tăng gần gấp đôi so với năm 2017), trên diện tích trồng hơn 250ha.

Theo các hộ trồng vải ở đây cho biết, thời điểm đầu vụ, giá thu mua vải dao động từ 30-40 ngàn đồng/kg, cao hơn mức giá bán năm ngoái từ 5-10 ngàn/kg. Có hộ với 100 gốc vải đã cho thu lãi hơn 100 triệu đồng...

Cũng là cây vải chín sớm, nhưng hiện tại các hộ trồng vải ở phường Phương Nam - Uông Bí lại đứng ngồi không yên bởi giá bán tụt giảm liên tục và đây cũng là năm địa phương được mùa lớn. Phương Nam hiện có gần 350ha trồng vải chín sớm đến độ cho thu hoạch và được xác định là vùng vải chín sớm lớn nhất tỉnh, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Vụ vải năm nay địa phương ước sản lượng thu hoạch đạt trên 4.000 tấn. Thời điểm đầu vụ, do bán được giá cao, dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg, nên các hộ trồng vải ở đây cũng rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi vào chính vụ giá bán rớt rất nhanh, chỉ dao động từ 17-22 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá bán năm ngoái (25-30 ngàn đồng/kg). Do giá bán xuống thấp nên nhiều hộ ở Phương Nam chỉ thu hoạch cầm chừng, hy vọng giá sẽ được nâng lên.

Tuy nhiên, điều mong mỏi này của người trồng vải khó có thể đạt được. Bởi lẽ năm nay vải được mùa, sản lượng quả đạt cao, trong khi quả vải lại chín rất nhanh, không thể kéo dài thời gian thu hoạch. Nắm bắt được đặc điểm này nên các thương lái ghìm giá, ép giá các chủ vườn. Hơn nữa, thời điểm này cũng trùng với thời điểm thu hoạch vải của các vùng trồng vải lớn như Hải Dương, Bắc Giang, nên không còn giữ được lợi thế như trước...

Thực tế cho thấy điệp khúc “được mùa mất giá” không chỉ xảy ra đối với quả vải, mà nhiều nông sản khác của các địa phương trong cả nước cũng đã từng phải đề nghị “giải cứu” khi được mùa lớn, giá bán xuống thấp như dưa hấu, chuối, thanh long, hành, thịt lợn v.v.. Việc nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm luôn là nỗi ám ảnh, lo sợ của người sản xuất. Trong khi việc giải cứu cũng chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính bền vững. Các ngành, cơ quan chức năng và nhiều địa phương cũng đã rất chú trọng đến việc giải bài toán “đầu ra” cho nông sản, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Tình trạng ế ẩm nông sản, sản phẩm bị ép giá, ép cấp vẫn thường xuyên xảy ra.

Để không còn xảy ra tình trạng “được mùa mất giá” hay phải “giải cứu” nông sản, đảm bảo ổn định “đầu ra” cho sản phẩm thì trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi; dự báo chính xác tình hình thị trường để đảm bảo cân đối giữa cung và cầu. Với các vùng có lợi thế về phát triển chăn nuôi, trồng các cây đặc sản thì cần khắc phục tình trạng phát triển tự phát, làm theo phong trào, để rồi khi không đạt được hiệu quả thì lại ồ ạt phá đàn, chặt cây. Và đặc biệt cần phải có biện pháp để không phải lệ thuộc quá nhiều vào các thương lái khi cần tiêu thụ sản phẩm, đó là việc các địa phương, hiệp hội ngành nghề có thể thành lập các tổ chức, đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người nông dân một cách chủ động, bền vững. Và một điều quan trọng nữa là phải làm tốt khâu bảo quản sau thu hoạch, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị. Làm tốt những điều này thì sẽ không còn phải lo ngại bị thương lái ép giá khi được mùa, không lo sợ bị tác động, ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mùa vụ...

Với vùng vải Bình Khê - Đông Triều, Phương Nam - Uông Bí, cũng cần phải nghiên cứu, xem xét lại quy mô diện tích, số lượng cây trồng; phương thức tiêu thụ sản phẩm để có kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời cũng phải tính toán, hạch toán kỹ lưỡng để xác định bán với mức giá nào thì chấp nhận được, mức giá nào thì người nông dân bị lỗ, để có định hướng cho người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Thanh Tùng
 

Cùng chuyên mục