Thời gian qua, chủ trương lớn sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính 2 cấp tỉnh – xã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng nhân lực như thế nào, biên chế, phụ cấp, thu nhập ra sao đối với những đơn vị sáp nhập, sắp xếp cũng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và cán bộ, công chức, người lao động.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, từ ngày 1/7/2025, các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước sẽ chính thức kết thúc hoạt động. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ chuyển sang 2 cấp tỉnh và xã. Trung ương thống nhất sau sáp nhập 63 tỉnh, thành phố còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh, 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Các xã, phường cũng sẽ được sắp xếp lại, giảm khoảng 60-70% để đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Cùng với cả nước, Quảng Ninh cũng đang khẩn trương, tích cực, quyết liệt sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (Quảng Ninh không thuộc diện sáp nhập cấp tỉnh). Trong đó tỉnh đề xuất 2 phương án: Phương án 1 Xây dựng 54 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm: 30 phường, 22 xã và 2 đặc khu Vân Đồn, Cô Tô; Phương án 2 sẽ thành lập 51 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm: 27 phường, 21 xã và 3 đặc khu Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô.

Hiện, ngoài việc tích cực xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính, cùng với đó là duy trì hoạt động công việc thông suốt, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì vấn đề được nhiều cán bộ, công chức, người lao động quan tâm là việc bố trí biên chế, phụ cấp, thu nhập sau sáp nhập đơn vị hành chính.
Để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn này, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã ban hành Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025 về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Theo đó, chuyển 100% biên chế cán bộ, công chức cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.
Đồng thời, trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện, cấp xã hiện có để bố trí làm việc tại cấp xã và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định của Chính phủ; dự kiến biên chế bình quân của mỗi cấp xã khoảng 32 biên chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).
Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được bố trí công tác ở đơn vị hành chính mới thì tiếp tục được hưởng lương theo ngạch, bậc và các chế độ phụ cấp lương hiện hưởng trong thời gian gian 6 tháng; sau đó thực hiện theo quy định mới của Chính phủ.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp mà có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc rà soát, đánh giá và thực hiện chính sách, chế độ theo quy định hiện hành của Chính phủ, bảo đảm giữ được người có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trường hợp cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm ở cấp xã mới thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Chính phủ.
Căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện nay, ban thường vụ, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã mới theo phân cấp quản lý.
Với những định hướng rõ ràng về nhiệm vụ sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy, biên chế khi thực hiện sắp xếp, sẽ góp phần ổn định tư tưởng cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình làm việc, đặc biệt là trong thời gian chờ sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính, từ đó thúc đẩy tinh thần làm việc, cống hiến, xây dựng bộ máy làm việc mới hiệu quả hơn.