Tối 11/10, dự lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập-phát triển”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, để các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu thì các địa phương cần có thêm tư duy nữa, đó là nuôi dưỡng doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, ngày nay quốc gia nào có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì quốc gia đó thu được nhiều lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế. Để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt nhịp được những chuẩn mực khu vực và quốc tế, đòi hỏi doanh nhân phải năng động, sáng tạo, có kiến thức và dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn. Vì vậy, chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công.
“3 đồng hành, 5 hỗ trợ” doanh nghiệp đã trở thành việc làm thường xuyên của các cấp chính quyền địa phương trong thời gian qua. Chính quyền đã và đang đồng hành với doanh nghiệp trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Cùng với đó là hỗ trợ để doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; để nâng cao hiệu quả hoạt động; để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; để xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Với địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển đa ngành từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ đến phát triển du lịch, logistis…. Quảng Ninh cũng đang thực hiện mọi giải pháp để nuôi dưỡng 12.000 doanh nghiệp hiện có trên địa bàn và phát triển thêm khoảng 10.000 doanh nghiệp nữa trong vòng 5 năm tới. Những giải pháp như: xây dựng chiến lược phát triển xuyên suốt, tập trung đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, áp dụng qui trình hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Quảng Ninh đang làm hết mình để các doanh nghiệp của tỉnh có thể lớn mạnh, có đủ sức cạnh tranh vươn ra thế giới và thành công.
“Khó khăn của doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều sẽ được chính quyền lắng nghe, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả nhằm giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát huy sức sản xuất. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển trong giai đoạn 2016- 2020”.- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã khẳng định nhiều lần trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Sẽ không có sức mạnh nào lớn hơn niềm tin, chính quyền- doanh nghiệp cùng nhau nuôi dưỡng niềm tin, tỉnh Quảng Ninh sẽ cùng với cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trí tuệ, tập hợp sức mạnh thời đại, nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững. Doanh nghiệp làm giàu cho chính mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của tỉnh, đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Ngọc Lan