Mùa hè đã dần trôi qua và một năm học mới sắp bắt đầu. Thời điểm này, có lẽ các bậc phụ huynh mỗi người mỗi tâm trạng khi sắm sửa hành trang để chuẩn bị cho con bước vào năm học mới. Và ở đâu đó vẫn có những tiếng thở dài lo lắng của các bậc cha mẹ và cả tiểu thương vì nỗi lo hàng ế.
Đồ dùng học tập cho học sinh càng ngày càng nhiều, từ sách giáo khoa, sách tham khảo, cặp sách, vở viết và các dụng cụ phục vụ cho các môn học… Chính vì thế, nhiều nhà có điều kiện thì đưa con đi sắm một lần là xong, nhưng cũng có không ít gia đình phải đưa con đi sắm dần từng đợt. Hôm thì mua cặp, hôm thì mua vở, bút, sách giáo khoa… Mỗi chiếc cặp sách sản xuất trong nước giá thấp nhất cũng 250.000 đồng còn những chiếc cặp nhập khẩu thì lên đến cả triệu đồng. Mua đủ sách vở, đồ dùng học tập cho một con cũng phải tốn từ 1,5 triệu đồng trở lên tuỳ theo cấp học. Chuẩn bị vào năm học mới, nhiều gia đình công nhân mỏ đã phải cắt giảm chi tiêu để có thể dành tiền mua sách vở, đồ dùng cho con. Nhiều gia đình tận dụng tối đa mọi cách để tiết kiệm như xin lại sách giáo khoa, đồ dùng cũ và tìm mua các mặt hàng giảm giá, bình ổn giá trên thị trường.
Nhưng việc mua sắm đồ dùng học tập cũng chỉ mới là bước khởi đầu. Các gia đình đều phải xoay xở làm sao có được một khoản tiền để đóng cho nhà trường khi con nhập học. Bởi lẽ, ngoài các khoản tiền quy định thì chắc chắn sẽ có rất nhiều khoản phát sinh, những khoản tiền tự nguyện, quỹ trường, quỹ lớp rồi quỹ phụ huynh… thì nhiều gia đình không có cách nào mà tiết kiệm hay lựa chọn đồ rẻ được. Chính vì vậy mà cứ vào dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9 là các tiểu thương ở chợ lại lo lắng và gọi đây là mùa “ế chợ”. Không riêng mặt hàng gì mà hầu hết các hàng hoá sức mua đều giảm, nhất là các quầy hàng thực phẩm, đồ gia dụng. Các gia đình phần lớn phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu để có tiền lo sắm sửa đồ dùng học tập và đóng góp đầu năm học cho con cái.
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty Than Dương Huy, TP Cẩm Phả, cho biết: Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, tổng thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng. Bình thường, mọi chi tiêu đã phải khéo vun vén lắm mới đủ. Nhà tôi năm nay có 2 cháu đều học cuối cấp, cháu lớn học lớp 12, cháu bé học lớp 9. Chính vì vậy, bước vào năm học mới lại thêm nhiều nỗi lo hơn và mong sao ngoài các khoản đóng góp cố định rồi thì việc thu quỹ ở các trường vào dịp đầu năm học cũng giảm bớt đi. Mỗi lần đi họp phụ huynh đầu năm là lại nơm nớp lo thiếu tiền đóng cho các con.
Đối với các xã miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các bậc phụ huynh càng lo lắng hơn khi chuẩn bị cho con vào năm học mới. Để hỗ trợ cho các gia đình, nhà trường và học sinh vùng khó, những ngày này rất nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã đến các vùng xa của tỉnh như Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà… để tặng sách vở, đồ dùng và các thiết bị học tập. Cùng với đó, Sở GD&ĐT cũng có các văn bản hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục về các khoản thu; chỉ đạo các nhà trường phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, công khai minh bạch các khoản thu, chi đến phụ huynh và học sinh, giảm tối đa các khoản đóng góp đầu năm.
Trong năm học, sau khi hoàn thành khảo sát, thống kê những học sinh thuộc diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, ngành GD&ĐT đều có những chính sách hỗ trợ cho các em. Các ban, ngành, đoàn thể, nhất là hội khuyến học các cấp trong tỉnh luôn có những chương trình phối hợp trao học bổng, tặng xe đạp, đồ dùng học tập để động viên học sinh vượt khó vươn lên học giỏi… Điều này cũng giúp phụ huynh thêm tin tưởng và an tâm động viên các em học sinh nỗ lực học tập tốt, phấn đấu trở thành con ngoan - trò giỏi.
Thanh Phong