Mặc dù những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành vấn đề bức xúc, là vấn nạn đối với người dân và xã hội từ nhiều năm nay, nhưng đến nay dường như vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể, thậm chí tình trạng vi phạm còn ở mức nguy hại, đáng báo động hơn. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ngày nào là không có những thông tin về tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ như việc sử dụng tràn lan chất tạo nạc trong chăn nuôi; tẩm hoá chất để biến thịt trâu, thịt lợn thành thịt bò; sử dụng các loại chất cấm trong bảo quản hoa quả, kích thích cây rau nhanh cho thu hoạch v.v.. và v.v..
Có lẽ vì tình trạng thực phẩm bẩn, độc hại đã đến mức “báo động đỏ”, nên mới đây Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phải mở chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn” để tăng cường tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo đến người dân ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; cảnh giác, tẩy chay với thực phẩm bẩn và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật đến các cơ quan chức năng. Đồng thời cũng là nhằm nâng cao trách nhiệm, lương tâm của những cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao trọng trách “gác cửa” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân…
Tuy nhiên, để thực hiện tốt phương châm, khẩu hiệu hành động “Nói không với thực phẩm bẩn” là vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay, nhất là đối với phía người tiêu dùng. Bởi lẽ bằng cảm quan người dân khó có thể nhận biết, phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. Trong khi đó nguồn thực phẩm tiêu thụ, sử dụng hàng ngày phần lớn được cung cấp từ các chợ truyền thống, bày bán trong các quán ăn bình dân, quán cóc vỉa hè, gánh hàng rong… Mặc dù trong những năm gần đây cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, nhiều siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại đã được đầu tư xây dựng với số lượng hàng hoá phong phú, đa dạng tương đối đảm bảo về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhưng không phải người dân nào cũng có điều kiện để mua hàng ở những cơ sở văn minh, hiện đại này, nhất là với người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, nguồn thực phẩm tiêu thụ chính hàng ngày vẫn được cung cấp chủ yếu bởi thị trường tự do…
Do vậy để người dân có thể tiếp cận được với các loại thực phẩm sạch thì vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là rất lớn. Vì đây là những cơ quan, đơn vị có kiến thức, phương tiện, kinh nghiệm để giám sát, phát hiện, phân loại đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. Hơn nữa, với những cơ quan này còn có quyền lực trong việc phán quyết, xử lý các hành vi sai phạm, nên có tác dụng răn đe, ngăn chặn thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường…
Thực phẩm bẩn đang hàng ngày, hàng giờ thâm nhập vào cơ thể con người. Hệ lụy của nó là đang thầm lặng phá huỷ sức khoẻ của người dân, là căn nguyên gây ra những căn bệnh quái ác, hiểm nghèo. Bởi vậy, cần phải có ngay một “hàng rào” thực sự hữu hiệu để chặn đứng các loại thực phẩm bẩn trên thị trường. Người tiêu dùng bên cạnh việc nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm cần kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn xã hội và cho chính bản thân và gia đình mình…
Thanh Tùng