21
541
Chuyển đổi số/
/chuyen-doi-so
10
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
3357141
1502249
Những thôn, bản thông minh ở Đầm Hà
nhung-thon-ban-thong-minh-o-dam-ha
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Những thôn, bản thông minh ở Đầm Hà

Trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, huyện Đầm Hà đang nổi bật như một điểm sáng với những mô hình “thôn bản thông minh” gắn liền với ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, huyện Đầm Hà đang nổi bật như một điểm sáng với những mô hình “thôn, bản thông minh” gắn liền với ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung tâm Hành chính công huyện Đầm Hà. Ảnh: Hữu Việt

Xác định chuyển đổi số là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy, UBND huyện Đầm Hà đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các “thôn, bản thông minh”, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa như Quảng An, Quảng Lâm, Tân Bình, Dực Yên…

Tại những “thôn, bản thông minh”, cộng đồng dân cư ứng dụng công nghệ số vào điều hành, quản lý thôn bản, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế và cải thiện đời sống văn hóa – xã hội. Mỗi “thôn thông minh” đều có một hệ sinh thái số riêng, gắn với đặc thù địa phương, từ việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quản lý dân cư, đến triển khai các ứng dụng số trong sản xuất nông nghiệp và thương mại điện tử.

Điểm đặc biệt của mô hình này là phát huy vai trò làm chủ của người dân. Tại thôn Tân Tiến (xã Tân Bình), trưởng thôn và các chi hội đã thành lập nhóm Zalo cộng đồng với hơn 300 thành viên, liên tục cập nhật thông tin, phản ánh hiện trường, nhắc nhở nếp sống văn minh, lịch thi công công trình, thời vụ sản xuất… Người dân có thể phản ánh kịp thời các vấn đề dân sinh, từ đường điện, nước sinh hoạt đến an ninh trật tự chỉ bằng một tin nhắn.

Bà Nguyễn Thị Thúy, thôn Tân Tiến, chia sẻ: “Nhờ nhóm Zalo của thôn, chúng tôi biết lịch phun thuốc phòng sâu bệnh đúng thời điểm, tránh thiệt hại mùa màng. Những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự cũng được thông báo kịp thời, giúp bà con cảnh giác hơn”.

Tổ công nghệ số thôn Tân Sơn (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) đến nhà người dân tuyên truyền nội dung chuyển đổi số. Ảnh: Ngọc Trâm

Còn tại xã Quảng Lâm, nơi có dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình thôn thông minh đã được cụ thể hóa bằng việc ứng dụng “Sổ tay điện tử” trong công tác quản lý hộ tịch, lưu trữ thông tin dân cư.

Mô hình “thôn, bản thông minh” không chỉ giới hạn ở quản trị cộng đồng, mà còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tại xã Tân Bình, người dân đã ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển từ xa qua điện thoại, giúp tiết kiệm nước và tăng năng suất. Một số hộ đã bắt đầu quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.

Năm 2024, đã có trên 6.000 hộ dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; gần 6.000 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt trên 87%.

Đầm Hà đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số, nhất là mạng internet tốc độ cao đến từng thôn, bản. Cùng với đó, địa phương sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ thôn và người dân, nhằm tạo sự chuyển biến bền vững từ nhận thức đến hành động, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn huyện.

Mô hình “thôn, bản thông minh” ở Đầm Hà đang mở ra hướng đi mới, từng bước đưa cuộc sống người dân nông thôn tiệm cận với đô thị hiện đại. Mặc dù là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng phong trào sống và làm việc trong môi trường số đang hình thành, với người dân là trung tâm, là động lực và cũng là người thụ hưởng.

Thời gian tới, Đầm Hà chú trọng nâng cao năng lực số cho cán bộ cấp xã, thôn thông qua các lớp tập huấn, đào tạo thực hành. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần sáng tạo trong người dân, nhất là thế hệ trẻ, để mỗi người dân là một “công dân số”, góp phần xây dựng cộng đồng số an toàn, văn minh, hiện đại; phấn đấu, 100% thôn, bản sẽ đạt tiêu chí “thôn, bản thông minh”; tỷ lệ người dân có tài khoản định danh điện tử đạt trên 90%; 100% hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử...

Cùng chuyên mục