Dù làm việc ở nơi mà thế mạnh không thuộc về phụ nữ, nhưng những nữ công nhân của ngành Than vẫn xứng đáng được tôn vinh vì nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân, khẳng định năng lực trong từng nhiệm vụ và làm tròn vai trò người “giữ lửa” trong mỗi nếp nhà.
Một ngày làm việc của những nữ công nhân Phân xưởng Phục vụ Công ty CP Than Núi Béo bắt đầu từ rất sớm. "Để kịp chuẩn bị sẵn sàng cho công đoạn cấp phát bảo hộ lao động đến tay từng công nhân, chúng tôi luôn phải có mặt ở Công ty sớm hơn cả những người thợ lò. Trung bình một ca, chúng tôi phục vụ, cấp phát bảo hộ lao động cho gần 1.000 công nhân" - chị Đỗ Thúy Vân, Phân xưởng Phục vụ, Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin chia sẻ.
Trong không gian khá chật hẹp, kê kín các thiết bị giặt sấy và kệ tủ quần áo, những nữ công nhân hối hả phân loại từng bộ bảo hộ lao động đã qua sử dụng, vận chuyển vào máy giặt, máy sấy, sau đó tiếp tục phân loại và sắp xếp ngăn nắp theo mã số thẻ của từng công nhân. Một ngày có hơn ba nghìn bộ bảo hộ lao động được phân loại, giặt, sấy, sắp xếp và cấp phát liên tục như vậy. Số lượng bảo hộ lao động bảo quản ở đây rất lớn, nhưng phụ trách khâu này chỉ có 7 công nhân nữ.

Chị Đỗ Thúy Vân trải lòng: Vì đặc thù công việc là sản xuất than dưới hầm lò, nên sau khi tan ca, anh em công nhân mang trả cho chúng tôi những bộ bảo hộ lao động ngấm nặng than, đất và cả mồ hôi của họ. Thấu hiểu sự vất vả của anh em thợ lò, chúng tôi đã làm việc với cường độ cao nhất để kịp vệ sinh sạch sẽ quần áo bảo hộ cho anh em thợ lò vào ngày làm việc hôm sau. Nhiều bộ bảo hộ trong quá trình anh em làm việc nặng nhọc đã bị rách, bị đứt cúc, chúng tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng và sửa lại chu đáo rồi mới cấp phát. Công việc khá vất vả, nhưng đôi khi chỉ cần nhận lại vài lời khen ngợi, động viên của anh em công nhân là chúng tôi thấy vui rồi.
Đảm bảo khâu ăn, mặc cho thợ lò là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các đơn vị ngành than phải làm thật tốt. Khâu này tác động rất lớn đến sức khỏe và sự an toàn cho công nhân, quyết định đến hiệu quả sản xuất.
Đây cũng là những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận và chu đáo của những người phụ nữ. Vì vậy, ở hầu hết các mỏ than hầm lò, biên chế chính trong các phân xưởng Phục vụ và Đời sống là những người phụ nữ. Tuy không trực tiếp làm ra những tấn than, nhưng nhiệm vụ của chị em khối phục vụ, phụ trợ cũng rất vất vả, ca kíp thường xuyên và cường độ công việc thì luôn khẩn trương, liên tục. Trong suốt thời gian công nhân sản xuất dưới hầm lò, ở trên mặt bằng, hầu như không có lúc nào chị em được ngơi tay.
Nữ công nhân ngành Than vẫn thường được ví như những bông hoa của các đơn vị. Họ không chỉ đại diện cho phái đẹp, mà còn là những người luôn lan tỏa sự tích cực, nỗ lực trong công việc. Ở nhiều vị trí, họ khẳng định năng lực bản thân không thua kém với những đồng nghiệp nam giới.
Chị Nguyễn Thị Thúy là thợ nguội bậc 5/5, đã từng được vinh danh là công nhân bàn tay vàng của Công ty CP Chế tạo Máy - Vinacomin. Gắn bó với nghề cơ khí đã 34 năm, chị Thúy là một trong những người thợ có thâm niên cao nhất Phân xưởng cơ khí 2. Những cỗ máy này, những sản phẩm cơ khí quen thuộc này đã trở thành một phần đời của chị.

Nhớ lại những ngày đầu tiên về đây làm việc, cũng như những công nhân trẻ khác khi ấy, chị Thúy luôn phải nỗ lực học hỏi và thực hành thường xuyên để làm quen với máy móc, thiết bị. Sự chuyên cần và khéo léo đã giúp nữ công nhân Nguyễn Thị Thúy ngày ấy nhanh chóng khẳng định được mình. Những năm sau đó, hầu như năm nào chị cũng có sáng kiến trong công việc. Năm 2018, chị được công nhận danh hiệu “bàn tay vàng” với những thành tích nổi bật, những sản phẩm cơ khí ghi dấu ấn cá nhân.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển của xã hội và của ngành Than, những người nữ công nhân cũng luôn cố gắng tự hoàn thiện mình trong dây chuyền sản xuất. Họ không chỉ theo kịp nhịp độ sản xuất của những đồng nghiệp nam giới, mà còn sẵn sàng đảm nhận những vị trí công việc đòi hỏi tay nghề, trình độ KHCN cao. Dù công việc luôn phải hoàn thành xuất sắc, nhưng nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ trong gia đình họ vẫn phải tròn vai. Tan ca, các chị lại nhanh chóng trở về chăm sóc gia đình. Động lực lớn nhất với họ là gia đình hạnh phúc với các con mỗi ngày thêm lớn khôn, chăm ngoan, học giỏi. Đáp lại những đóng góp của công nhân nữ là rất nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ dành riêng cho đội ngũ này.
Bà Ngô Thu Kiều An, Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Nữ công Công ty CP Than Núi Béo cho biết: Không chỉ được hưởng quyền lợi về thu nhập theo khả năng cống hiến, được thụ hưởng chương trình khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn định kỳ, nữ công nhân đơn vị còn được quan tâm trong những dịp đặc biệt như 8/3, 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Hàng năm, Ban nữ công Công ty đều tổ chức nhiều hoạt động để chị em được trổ tài, như: Nấu ăn, ca hát, thể hiện năng khiếu thể thao, hoặc được cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hay trong cuộc sống.

Với ngành than, những nữ công nhân là niềm tự hào của các đơn vị. Họ mang đến những giá trị tốt đẹp cho các doanh nghiệp, cho gia đình và xã hội bằng danh hiệu “Hai giỏi” - đó là giỏi việc nước, đảm việc nhà. Họ điểm thêm những nốt nhạc tươi vui cho bức tranh công nghiệp sôi động của ngành than. Tuy thầm lặng, đứng ở phía sau mỗi tấn than, mét lò, nhưng giá trị họ tạo ra thì vô cùng lớn lao và luôn được ghi nhận. Hàng ngày, hàng giờ, lấp lánh sau mỗi gương than là nét đẹp lao động của những nữ công nhân, những người được trân trọng ví như “hoa của mỏ”.