Từ một ngành công nghiệp nặng mang tính thủ công cao, phụ thuộc nhiều vào sức người, hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trọng điểm là ngành Than đang chuyển mình mạnh mẽ dựa trên trụ cột “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa). Với những bước tiến ngoạn mục cả về sản lượng lẫn chất lượng lao động, ngành Than không chỉ cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân mà còn đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững quốc gia.

10 năm trước đây, ngành Than gắn liền với mô hình sản xuất nặng tính thủ công, khai thác bán cơ giới, phụ thuộc nhiều vào sức người. Hiệu suất lao động thấp, rủi ro an toàn cao và môi trường làm việc khắc nghiệt là những rào cản đến sự phát triển bền vững của TKV. Trong bối cảnh đó, TKV chọn một hướng đi mang tính bước ngoặt, hiện đại hóa toàn diện bằng chiến lược “3 hóa”.
Chiến lược không đơn thuần là đầu tư thiết bị, mà còn là sự chuyển dịch căn bản về tư duy sản xuất và phương thức quản trị. TKV đã từng bước biến các mỏ lộ thiên và hầm lò trở thành những công trường, phân xưởng sản xuất ngày càng hiện đại. Những công nghệ hiện đại như: Máy đào lò combai, giàn chống thủy lực di động, băng tải tự động và hệ thống khoan nổ điều khiển từ xa đã được đồng bộ triển khai..., không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà còn góp phần giảm đáng kể số lượng lao động trực tiếp trong môi trường nguy hiểm, tăng cường an toàn lao động, đồng thời mở ra cơ hội tái cơ cấu lực lượng lao động theo hướng tinh gọn, chất lượng cao.
Thành công của chiến lược “3 hóa” đã và đang tạo nên diện mạo mới cho ngành Than - hiện đại hơn, an toàn hơn và bền vững hơn. Theo số liệu của TKV, đến năm 2024, tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã đạt trên 70%. Nhiều mỏ lớn như Hà Lầm, Khe Chàm, Mạo Khê... đã áp dụng giàn chống tự hành, máy xúc, hệ thống vận tải bằng băng tải và ô tô tự hành. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, năng suất khai thác được cải thiện rõ rệt, bình quân tăng 20-30% so với phương pháp truyền thống; số lượng công nhân trực tiếp xuống lò giảm mạnh, góp phần đảm bảo an toàn lao động và cải thiện điều kiện làm việc đáng kể.
Không chỉ dừng ở thiết bị, ngành Than đang tiến xa hơn với hệ thống tự động hóa điều khiển từ xa, giám sát chặt chẽ mọi quy trình khai thác than. Tại một số đơn vị như: Than Hà Lầm, Than Hạ Long, Than Nam Mẫu, Than Mạo Khê… đã đầu tư hệ thống điều hành tập trung, giúp kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. TKV đẩy mạnh tin học hóa trong quản trị và điều hành doanh nghiệp; ứng dụng phần mềm ERP, hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nâng cao hiệu quả dự báo và tối ưu vận hành.

Nhờ áp dụng những công nghệ này, giúp ngành Than cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và nâng cao năng suất lao động. Năm 2014, năng suất bình quân của công nhân khai thác hầm lò chỉ khoảng 400-450 tấn/năm. Đến năm 2024, tăng lên trên 650 tấn/năm, một số đơn vị đạt 700-800 tấn.
Trong bối cảnh quốc tế hướng tới giảm phát thải, TKV đầu tư vào công nghệ xanh, như: Hệ thống xử lý nước thải mỏ, trồng cây phủ xanh bãi thải, dùng năng lượng tái tạo tại các khu vực sản xuất. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2025–2030, TKV không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng, mà còn chuyển đổi từ mô hình khai thác truyền thống sang một ngành công nghiệp hiện đại, thông minh và xanh.
Trọng tâm của chiến lược này là nâng tỷ lệ tự động hóa trong toàn ngành lên tới 80%, giảm dần lao động trực tiếp làm việc dưới hầm lò tại các khâu như đào lò, bốc xúc than, vận chuyển vật tư, từ đó giảm thiểu rủi ro tai nạn nghề nghiệp và nâng cao độ chính xác trong vận hành sản xuất. Đồng thời, xây dựng một lực lượng kỹ sư công nghệ cao làm nòng cốt cho sự phát triển bền vững. Đây là lực lượng nòng cốt có khả năng vận hành, giám sát và tối ưu hóa hệ thống máy móc tự động, điều khiển từ xa thông qua dữ liệu thời gian thực và trí tuệ nhân tạo.
Ông Nguyễn Huy Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV, cho biết: TKV tiếp tục triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, đặc biệt là trong công tác đào tạo và chuyển đổi kỹ năng cho đội ngũ lao động. Một trong những chiến lược trọng tâm là đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình đào tạo chuyên sâu, tập trung vào việc nâng cao năng lực cho công nhân và kỹ sư, giúp họ bắt kịp với xu hướng công nghệ mới và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.
TKV đã hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước cũng như quốc tế, xây dựng các khóa học chuyên ngành về tự động hóa, cơ giới hóa và tin học hóa. Các khóa học này không chỉ giúp công nhân có kiến thức nền tảng về công nghệ mới mà còn rèn luyện kỹ năng vận hành các thiết bị hiện đại như máy đào lò tự động, hệ thống giàn chống, máy khấu, hệ thống điều khiển từ xa.