Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, cán bộ ngành Than luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ngay cả những giai đoạn ngành Than nói riêng, đất nước ta nói chung khó khăn nhất.
Một trong những ví dụ điển hình là năm 1969, giữa lúc hoàn cảnh kinh tế của ta còn nhiều khó khăn, miền Bắc đang dốc sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05-CP về việc tăng cường chăm lo đời sống và sức khoẻ của công nhân, cán bộ ngành Than, bởi “trước mắt cũng như sau này, ngành Than giữ một vị trí rất quan trọng” - theo nội dung Nghị quyết. Ngoài việc yêu cầu đảm bảo các trang thiết bị, bảo hộ lao động, Hội đồng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội thương, Bộ Công nghiệp nặng và tỉnh Quảng Ninh tổ chức thật tốt việc ăn uống, chăm sóc sức khoẻ, đời sống văn hoá tinh thần… cho công nhân mỏ.
Đáng chú ý, trong bối cảnh tem phiếu, hàng hoá khan hiếm, khó khăn nhưng về chế độ, mỗi cán bộ, công nhân thường xuyên đi công trường mỏ lộ thiên được tiêu chuẩn mua hằng tháng 4kg thịt, 1kg đường, 2 hộp sữa, 26 chai bia, 2 lít rượu cho công nhân lớn tuổi. Ngoài tiêu chuẩn trên, Hội đồng Chính phủ yêu cầu địa phương cố gắng cung cấp hằng tháng cho mỗi công nhân khoảng 5kg cá, 3kg đậu phụ, 3 - 5 quả trứng, 12kg rau, nước chấm, hoa quả, v.v.. Nếu người công nhân trong đội đi lò nhanh ăn ở gia đình thì cũng được cung cấp đúng tiêu chuẩn kể trên.
Sự quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân ngành Than của Đảng, Nhà nước và của tỉnh ở những giai đoạn khó khăn như thế là nguồn động viên to lớn để những thợ mỏ ra sức thi đua phấn đấu “làm thật nhiều than cho Tổ quốc”, như lời dạy của Bác Hồ, sản xuất nguồn “vàng đen” cung cấp năng lượng cho đất nước và xuất khẩu.
Những năm qua, sau những năm phát triển, do nhiều nguyên nhân, ngành Than gặp không ít khó khăn, nhất là năm 2016. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn vẫn duy trì chi 200 tỷ đồng như hằng năm để chi cho các đơn vị khó khăn, chi trên 30 tỷ đồng cho công tác điều dưỡng, rửa phổi cho công nhân, khen thưởng cho hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân, tập thể có thành tích trong lao động sản xuất…
Tại các đơn vị sản xuất, toàn bộ người lao động vẫn được bố trí xe ca có máy lạnh đưa đón, quần áo lao động của công nhân đi lò được giặt, sấy sạch sẽ, công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ được đặc biệt quan tâm. Các chế độ, chính sách được duy trì, công nhân lao động nặng được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Tập đoàn đã đầu tư công nghệ hiện đại nhằm giảm sức lao động cho công nhân; đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở, nhà ăn công nghiệp, nhà tắm giặt cho công nhân, nâng cấp sân vận động; đầu tư công nghệ hiện đại rửa phổi tại Bệnh viện Than - Khoáng sản, điều trị cho 200 - 350 thợ lò mỗi năm. Nhiều đơn vị đã tổ chức cho các gia đình thợ lò có nhiều thành tích đi nghỉ cuối tuần, có chế độ nghỉ hằng tháng về thăm gia đình cho thợ lò ở xa; tổ chức các chuyến tham quan, du lịch cho cán bộ, công nhân; thăm, tặng quà, hỗ trợ xây dựng nhà cho cán bộ, công nhân có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, động viên con em cán bộ, công nhân có thành tích học giỏi và dịp lễ, tết.
Cùng với chăm lo về đời sống vật chất và điều kiện làm việc, các doanh nghiệp trong ngành Than cũng là điển hình tiêu biểu trong việc tổ chức, duy trì các hoạt động văn nghệ, thể thao, chăm lo tốt đời sống tinh thần cho người lao động.
Hiện nay, toàn ngành Than có khoảng 104.000 cán bộ, công nhân. Phát huy tinh thần “Kỷ luật, đồng tâm” của thợ mỏ, toàn ngành đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Trong bất kỳ khó khăn nào thì chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân luôn phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, bởi con người - nhân lực là cái gốc, quyết định sự thành công.
Trần Minh