Hôm qua 5-9, tất cả các trường học trong toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới với tinh thần trang trọng, ngắn gọn, thiết thực, tiết kiệm, có ý nghĩa và phù hợp với từng lứa tuổi, từng địa bàn, từng trường. Năm học mới này, toàn tỉnh có gần 280 ngàn học sinh từ bậc học mầm non đến THPT…
Nét mới trong lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh là các trường đồng loạt tổ chức vào ngày 5-9, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút và kết thúc trước 9 giờ, với nội dung chương trình đảm bảo trang trọng, ngắn gọn, thiết thực, tiết kiệm, có ý nghĩa. Đặc biệt, khi làm lễ chào cờ, tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh đều tham gia hát Quốc ca, không sử dụng băng, đĩa lời bài hát có sẵn; đại biểu cấp trên đến dự không phát biểu trong lễ khai giảng…
Để thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo của năm học mới 2016-2017 ngay từ những ngày đầu năm học, ngày 31-8 vừa qua, UBND tỉnh đã có chỉ thị (số 13/CT-UBND) chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; Sở GD-ĐT và các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới. Cụ thể, tiến hành rà soát cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục và toàn bộ mạng lưới các trường, điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh liên quan đến công tác giáo dục - đào tạo. Đặc biệt là thực hiện giảm tải số lượng học sinh trong một lớp, số lớp trong một trường ở các cơ sở giáo dục vùng thành thị; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh thuộc vùng khó khăn được đến trường. Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo đủ phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy và học; đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh; tuyệt đối không được để tình trạng cơ sở vật chất bị hư hỏng, khó khăn làm ảnh hưởng đến việc đến trường của học sinh…
Đối với Sở GDĐT, ngoài việc tổ chức triển khai nghiêm túc nhiệm vụ năm học 2016-2017 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh, cần tập trung làm tốt công tác đào tạo đội ngũ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục toàn diện; tổ chức đánh giá kết quả áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) và chưa nhân rộng mô hình này trong năm học 2016-2017; tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của tỉnh về chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc thu, quản lý thu - chi trong trường học; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giáo dục và đào tạo…
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của ngành GD-ĐT, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tích nổi trội. Số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia không ngừng gia tăng. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được duy trì trên diện rộng, với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học đạt cao, đặc biệt là ở bậc học THPT. Giáo dục mũi nhọn có sự đột phá, đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, trong đó đỉnh cao phải kể đến tấm huy chương đồng cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2016 của Nguyễn Ngọc Minh Hải - học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long…
Mặc dù đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào, nhưng ngành GD-ĐT tỉnh cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó đáng quan tâm là nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển của tỉnh cũng còn những hạn chế. Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho số đông học sinh chuyển biến còn chậm. Tình trạng dạy thêm, học thêm chưa được ngăn chặn triệt để… Đó là những tồn tại, hạn chế mà ngành GD-ĐT cần quyết liệt, tập trung triển khai, thực hiện, khắc phục trong năm học mới này và những năm học tiếp theo, đi đôi với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm học theo chỉ đạo của UBND tỉnh…
Thanh Tùng