Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” của tỉnh Quảng Ninh đã đề ra hệ thống giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ như tên gọi đề án đã xác định. Nhất thể hoá chức danh người đứng đầu cấp uỷ với chức danh người đứng đầu UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan tham mưu của Đảng với thủ trưởng cơ quan giúp việc của chính quyền chính là một trong những giải pháp quan trọng của Đề án 25.
Đề ra giải pháp này, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, quán triệt kỹ các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008, Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Trung ương đã xác định rõ chủ trương nhất thể hoá.
Còn về thực tiễn, cách đây 10 năm, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thí điểm thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã. Tỉnh uỷ đánh giá mô hình này rất hiệu quả, bởi bí thư đồng thời là chủ tịch UBND vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, chính sách của cấp uỷ cấp trên, vừa là người trực tiếp chỉ đạo UBND cùng các đơn vị trong hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Vì vậy, các nhiệm vụ được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương của cấp uỷ với chương trình hành động và việc triển khai thực hiện của UBND. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ và UBND tập trung vào một người đã tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi công việc, thông tin đến cấp uỷ là đến UBND, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết...
Thực hiện Đề án 25, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo nhất thể hoá bí thư - chủ tịch UBND ở 2/14 đơn vị cấp huyện (huyện Cô Tô và huyện Tiên Yên), nhất thể hoá người đứng đầu cơ quan tham mưu của Đảng với thủ trưởng cơ quan giúp việc của chính quyền chính ở nhiều địa phương, tăng cường nhất thể hoá bí thư - chủ tịch UBND cấp xã.
Hiệu quả việc nhất thể hoá đã rõ, nhưng không ít người vẫn chưa hiểu hết việc mà Quảng Ninh làm. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đỗ Thị Hoàng kể: Mới đây có một nhóm phóng viên trung ương đến đặt vấn đề phỏng vấn về nội dung này. Nhóm đưa ra các câu hỏi và lời bình sẵn, trong đó đánh giá cao việc nhất thể hoá của Quảng Ninh đã góp phần quan trọng để tinh giản biên chế! Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ bảo nghe xong thấy buồn. Bởi nếu chỉ nhằm tinh giản thì nhất thể hoá được 14 “ông bí thư - chủ tịch UBND” thì thấm vào đâu so với 33 ngàn cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Sau đó, đồng chí đã dành thời gian để nói rõ cho nhóm phóng viên đó hiểu rằng nhất thể hoá quan trọng nhất là để người điều hành đề ra chủ trương (bí thư cấp uỷ) phải được gắn với thực tiễn điều hành Người điều hành (chủ tịch UBND) hơn ai hết sẽ hiểu rõ những chủ trương do cấp uỷ đề ra.
Tại hội thảo khoa học nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm cầm quyền của Đảng do Tạp chí Cộng sản và Tỉnh uỷ Quảng Ninh tổ chức tháng 1-2015, nhiều nhà nghiên cứu chỉ rõ nhất thể hoá đã góp phần đảm bảo cơ chế Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng nhà nước và thông qua nhà nước. Nhất thể hoá nghĩa là “Đảng hoá thân vào Nhà nước”, sẽ khắc phục được tình trạng Đảng bao biện làm thay và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.
Chí Linh