TP Uông Bí vừa khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, được xây dựng tại xã Điền Công - một địa bàn gần biển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai, rủi ro. Đây là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh xây dựng được mô hình này. Và đặc biệt hơn, trong điều kiện nguồn ngân sách ở cấp cơ sở còn hết sức eo hẹp thì xã Điền Công đã bỏ ra tới 70% trong tổng nguồn vốn 10,8 tỷ đồng đầu tư cho cả công trình (ngân sách thành phố chi 30%). Điều này cho thấy sự quyết tâm, tính tiên phong và ý thức trách nhiệm cao của địa phương đối với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh sự tác động, ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, nguy hiểm…
Công trình được xây dựng trên diện tích hơn 5.400m2, với các hạng mục như: Âu thuyền, nhà thường trực, kè chắn đất… Sau khi khánh thành, đưa vào sử dụng, Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã được TP Uông Bí giao cho Ban Chỉ huy quân sự thành phố trực tiếp quản lý, vận hành. Với mô hình này, không chỉ thể hiện cách làm mới, chủ động, tích cực của Uông Bí trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn, mà đây còn là sự cụ thể hoá phương châm “4 tại chỗ” của địa phương để xử lý kịp thời, nhanh chóng các sự cố, tai nạn, rủi ro có thể xảy ra, đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, nhân dân…
Chúng ta đều đã biết, thời gian qua, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, rủi ro, trong đó có những vụ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điển hình phải kể đến là hậu quả của trận mưa lụt lịch sử xảy ra vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 vừa qua. Trong trận mưa lụt này, mặc dù các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và địa phương đã rất nỗ lực, cố gắng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, nhưng hậu quả để lại vẫn hết sức nặng nề với gần 20 người bị chết, nhiều cơ sở sản xuất bị tê liệt nhiều ngày, không ít công trình, nhà cửa bị phá hỏng, đổ sập… Thực tế này nói lên công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn còn có những hạn chế, bất cập, nhất là việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở. Và gần đây nhất là vụ cháy tàu du lịch tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng toàn bộ con tàu trị giá vài tỷ đồng đã bị cháy rụi trong chốc lát. Nếu như công tác cứu hộ, cứu nạn tại đây được triển khai một cách chủ động và làm tốt thì có lẽ du khách đã không bị hoảng loạn và con tàu cũng không đến mức bị thiêu rụi hoàn toàn đến vậy…
Nói lại điều này để chúng ta ý thức hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Từ đó cho thấy, việc TP Uông Bí tiên phong, chủ động xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngay khi vừa bước vào mùa mưa bão là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cấp uỷ, chính quyền, các đơn vị, lực lượng chức năng thành phố. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Bởi vậy, theo lời đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại lễ khánh thành công trình thì mô hình, cách làm mới này của Uông Bí cần được nhân rộng ra một số địa phương trong tỉnh. Và để mô hình hoạt động thực sự hiệu quả, đơn vị được giao trực tiếp quản lý Trung tâm cần quản lý tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí lực lượng chuyên trách thường trực; tổ chức diễn tập, huấn luyện các phương án ứng cứu để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra…
Thanh Tùng