21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2309176
657539
Nhân lên những hành động đẹp
nhan-len-nhung-hanh-dong-dep
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Nhân lên những hành động đẹp

Trong những ngày qua, tại huyện Cô Tô liên tục có các việc người dân trả lại tiền, tài sản cho du khách để quên hay đánh rơi.

Trong những ngày qua, tại huyện Cô Tô liên tục có các việc người dân trả lại tiền, tài sản cho du khách để quên hay đánh rơi.

Vụ thứ nhất là ngày 16-6-2016, bà Hà Thị Thu, chủ khách sạn Cô Tô Group kiểm tra phòng (khách đã trả phòng, dời đi), phát hiện trong ngăn kéo tủ có 5 phong bì màu trắng dán kín. Nghi có tiền mặt, bà Thu đã trình báo Công an huyện Cô Tô. Nhận được trình báo, Công an huyện Cô Tô đã kiểm tra và phát hiện bên trong các phong bì có tổng cộng 70 triệu đồng tiền mặt. Qua xác minh, chủ sở hữu số tiền trên là anh Nguyễn Việt Dũng, trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội). Gia đình anh Dũng tới Cô Tô du lịch, nghỉ tại Cô Tô Group, khi trả phòng anh Dũng đã sơ ý để quên số tiền trên. Công an huyện Cô Tô đã niêm phong và tạm giữ số tiền trên chờ anh Dũng quay lại đảo để kiểm chứng và nhận lại tài sản. Việc làm của bà Thu sau đó đã được UBND huyện Cô Tô khen thưởng kịp thời.

Trước đó mấy hôm, vợ chồng ông Bình - chủ nhà nghỉ mini ở khu 1, thị trấn Cô Tô, buổi sáng ra vườn nhà đã nhặt được 2 điện thoại di động Samsung Galaxy A7 và Iphonne 3. Ông Bình đã đưa 2 điện thoại nhờ anh Phạm Công Quý, công tác tại Trung tâm Hành chính công huyện Cô Tô để đăng báo tìm trả lại người đánh rơi (anh Quý từng công tác tại Đài TT-TH Cô Tô). Do đêm trước trời mưa, điện thoại bị ngấm nước, sập nguồn không thể mở được máy để liên lạc với chủ nhân điện thoại, nên anh Quý đăng thông tin trên lên trang facebook cá nhân. Sau 1 tuần không có hồi âm, anh Quý đã mang điện thoại vào TP Cẩm Phả sửa và từ địa chỉ facebook lưu trong máy, anh đã liên lạc được với chủ nhân 2 điện thoại trên là nam du khách tên Kiên, làm việc ở Đông Anh (Hà Nội). Anh Kiên cho biết, hôm du lịch ở Cô Tô vui với bạn, uống bia hơi nhiều nên không nhớ đã rơi điện thoại ở đâu. Nhận tin anh Quý sẽ gửi điện thoại lên, anh Kiên rất bất ngờ và cảm kích.

Cùng thời gian với vụ việc của anh Quý, em Nguyễn Thị Thư, học sinh lớp 11, Trường THPT Cô Tô cũng đã nhặt được 1 ví bên trong có khá nhiều tiền cùng 1 điện thoại của du khách đánh rơi trên đường ra bãi tắm. Đang tính nộp cho công an, Thư thấy 2 phụ nữ trung niên có dấu hiệu hốt hoảng tìm gì đó. Qua đối chiếu hình ảnh trong điện thoại với người phụ nữ thấy đúng là chủ nhân của ví, Thư đã hoàn trả lại tài sản cho người mất…

Được biết, trước ba vụ việc trên, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Cô Tô đã tiếp nhận 3 vụ trình báo từ người dân về việc nhặt được tiền mặt và tài sản của du khách đánh rơi và đều đã tiến hành xác minh, trả lại cho du khách. Những hành động đẹp của những người như bà Thu, anh Quý, em Thư cũng chính là một trong các nội dung mà chủ đề công tác năm 2016 của huyện Cô Tô hướng tới là “Xây dựng văn hoá, văn minh du lịch Cô Tô”, bắt đầu từ mỗi người dân, hộ kinh doanh, từ đó góp phần xây dựng uy tín cho ngành du lịch non trẻ của huyện đảo, xây dựng Cô Tô ngày càng đẹp hơn, thân thiện hơn trong lòng khách.

Giống như Cô Tô, một trong những chủ đề công tác năm 2016 của TP Hạ Long là “Xây dựng Hạ Long là thành phố du lịch văn minh, thân thiện”. Bao trùm hơn, “Xây dựng thành phố du lịch Hạ Long” còn là một trong 2 nội dung chủ đề công tác năm 2016 của tỉnh Quảng Ninh. Hạ Long là thủ phủ, là một trong những trọng điểm du lịch của Quảng Ninh và Việt Nam, vinh dự và tự hào mang tên Di sản thiên nhiên thế giới hai lần được UNESCO công nhận. Câu “Người Hạ Long nói lời hay, cử chỉ đẹp” đã có từ nhiều năm nay. Việc xây dựng thương hiệu du lịch của một điểm đến, một thành phố, một quốc gia đôi khi bắt đầu tưởng như những việc nhỏ của mỗi người, mỗi doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch… là nhặt được của rơi trả lại người mất, là những ứng xử lịch sự, văn minh, thân thiện với du khách như ở Cô Tô. Du lịch vốn nhạy cảm, nhất là với Hạ Long luôn được sự quan tâm của du khách khắp nơi trên thế giới. Một cái bắt tay, cử chỉ thân thiện, ứng xử văn minh, lịch sự, không “chặt chém”, “đeo bám” du khách… chính là một “Nụ cười Hạ Long” ý nghĩa nhất, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long, thương hiệu của người Quảng Ninh.

Hãy nhân lên những hành động đẹp như ở Cô Tô, không chỉ với người Hạ Long, mà còn với mỗi người dân Quảng Ninh!

Đại Dương[links()]

Cùng chuyên mục