21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2346058
713537
Nghề báo và đạo đức nghề báo
nghe-bao-va-dao-duc-nghe-bao
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Nghề báo và đạo đức nghề báo

Nghề nào cũng cần có chuẩn mực đạo đức. Nếu như ngành y tế có các điều y đức để nhắc nhở người thầy thuốc về trách nhiệm trước sinh mạng và sức khoẻ con người thì chuẩn mực đạo đức báo chí có nội dung phong phú hơn, sinh động hơn nhiều.

Nghề nào cũng cần có chuẩn mực đạo đức. Nếu như ngành y tế có các điều y đức để nhắc nhở người thầy thuốc về trách nhiệm trước sinh mạng và sức khoẻ con người thì chuẩn mực đạo đức báo chí có nội dung phong phú hơn, sinh động hơn nhiều.

Thực chất, nghề báo là nghề luôn chịu sự chi phối, kiểm soát bởi hệ thống đạo luật, thể thức, định chế và đạo đức hết sức khắt khe, nghiêm túc. Với báo chí, nhiều khi chính những chuẩn mực đạo đức mới thực sự chi phối hành vi nghề nghiệp của nhà báo. Phạm trù đạo đức đối với người làm nghề báo chí còn là sự hội tụ của kiến thức, của sự am tường truyền thống, thuần phong mỹ tục, của lương tâm và trách nhiệm trước cuộc sống.

Ngày 21-4, phát biểu tại Hội nghị học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tổ chức tại Lâm Đồng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đánh giá, đội ngũ những người làm báo Việt Nam, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Bên cạnh đó, có một thực tế là hiện nay các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 5 năm (2011-2015), đã có 242 lượt cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm. Năm 2015, có 37 trường hợp và năm 2016 con số này là 79 trường hợp. Lý do sai phạm chủ yếu của cơ quan báo chí là thông tin sai sự thật, kế đến là vi phạm về nội dung thông tin, quảng cáo... Con số này ắt hẳn chẳng làm những nhà báo chân chính vui nhưng việc xử lý nghiêm các vi phạm như vậy là cần thiết để làm trong sạch môi trường báo chí.

Ngày 15-12-2016, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá X đã thông qua và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ 1-1-2017 (thực hiện cùng Luật Báo chí). Hội đã ban hành Chỉ thị thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đồng thời thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp Trung ương và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng.

Có rất nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nghề báo và tác động của nó đến sản xuất, kinh doanh, gây hậu quả lớn đến kinh tế. Điển hình như cách đây 10 năm, vụ việc thông tin ăn bưởi Năm Roi có nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ, khiến nhiều hộ nông dân đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại hàng trăm triệu đồng; rồi vụ thông tin bồn nước inox Toàn Mỹ có chất gây ung thư khiến doanh nghiệp này tổn hại uy tín, có ngày thiệt hại hàng tỷ đồng cho dù thông tin sau đó được cải chính. Gần đây nhất là năm 2016 xảy ra vụ thông tin nước mắm có chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ khiến bao doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống lao đao, người tiêu dùng thì hoang mang. Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó đã ra quyết định xử phạt 50 cơ quan báo chí thông tin sai sự thật vụ việc trên (có lẽ cũng là kỷ lục).

Có thể nói, nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp báo chí gắn bó chặt chẽ với nhau. Hiệu quả công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hoà giữa trình độ, đạo đức nghề nghiệp, sự say mê nghề nghiệp và khả năng thâm nhập cuộc sống. Vì thế, việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hết sức quan trọng với mỗi nhà báo.

Trần Minh

Cùng chuyên mục