Nhiều ngày qua, giá lợn hơi tại một số tỉnh, thành phố trong nước liên tục tăng, dao động ở mức từ 71.000 - 78.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc giá thịt lợn tại chợ dân sinh cũng bị đẩy lên cao từ 140.000-170.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng nhiều năm gần đây.
Việc thịt lợn tăng giá thời gian qua ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Đặc biệt là chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh đang chuẩn bị nguồn hàng để chủ động, sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp tết. Chính vì vậy, việc giá thịt lợn tăng cao có thể tác động đến nhiều mặt hàng thiết yếu khác, nếu các ngành chức năng không vào cuộc ngay.
Lý giải cho việc giá thịt lợn tăng cao, nhiều người cho rằng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi xảy ra trong thời gian qua, làm người chăn nuôi thua lỗ không dám tái đàn, khiến nguồn cung khan hiếm. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thì nguồn cung thịt lợn ở nước ta đang thiếu hụt có ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên lượng thịt không nhiều, vẫn có thể bù đắp được.
Tính đến thời điểm này, bệnh dịch tả châu Phi gây ảnh hưởng đến ngành Chăn nuôi lợn trong nước, với hơn 5 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Theo tính toán, sản lượng thịt lợn trong nước thiếu hụt khoảng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, theo tính toán của ngành Chăn nuôi thì nhu cầu thịt lợn trong nước dịp cuối năm vẫn trong tầm kiểm soát. Với số lượng thịt lợn thiếu hụt có thể bù đắp được thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm vào sự bình ổn của thị trường.
Có lẽ, điều đáng lo ngại nhất là việc một số đơn vị, cá nhân kinh doanh, thương lái lợi dụng sự ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi để đẩy giá, thổi giá thịt lợn lên cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc quản lý thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm.
Trước thực trạng này, nhằm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, tập đoàn, tổng công ty, đơn vị liên quan chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung, mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm. Đặc biệt, có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu; theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thịt lợn, kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả.
Có thể thấy, việc giá thịt lợn tăng cao thời gian qua không loại trừ trường hợp các cơ sở chăn nuôi, thương lái, đơn vị kinh doanh cố tình găm hàng nhằm thổi giá lên cao, nhằm trục lợi. Người tiêu dùng đang rất mong chờ ngành chức năng vào cuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường thịt lợn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tết Nguyên đán 2020 đang đến gần, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tăng cao nhiều lần, thị trường hàng tiêu dùng chắc chắn rất “nóng”, sôi động. Chính vì vậy, nếu các ngành chức năng không có phương án quản lý, kiểm soát, đảm bảo cung – cầu hàng hóa sẽ tạo cơ hội cho việc găm hàng, thổi giá, gây mất kiểm soát thị trường, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Thái Bình