UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 28/9/2017 thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020.
Theo kế hoạch trên, hằng năm UBND tỉnh bố trí một phần kinh phí từ ngân sách để đặt hàng các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản kết hợp với tuyên truyền, vận động xã hội hoá chương trình thả giống thuỷ sản ra biển và các thuỷ vực nội địa nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Trong đó chú trọng thả các giống loài thuỷ sản bản địa, đặc hữu và các loài có giá trị kinh tế cao hoặc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đã được nhân giống.
Một trong những mục tiêu trọng tâm trong Kế hoạch số 42/KH-UBND là toàn tỉnh tổ chức thả 10 triệu con giống thuỷ sản các loại trong giai đoạn 2017-2020. Trong đó năm 2017 tổ chức thả trên 500 ngàn con giống thuỷ sản nước ngọt tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại các hồ chứa lớn do các công ty TNHH MTV thuỷ lợi của tỉnh quản lý như các hồ: Tràng Vinh (Móng Cái), Hà Động (Đầm Hà), Khe Cát (Tiên Yên), Yên Lập (Quảng Yên), Khe Chè, Trại Lốc I (Đông Triều) và gần 2 triệu con giống thuỷ sản mặn, lợ tại các vùng biển ven bờ. Từ năm 2018 đến năm 2020, hằng năm thả 2,5 triệu con giống thuỷ sản các loại.
Cùng với tái tạo nguồn lợi, tỉnh Quảng Ninh sẽ nghiên cứu và bảo tồn gen, nhân giống các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, các loài thuỷ sản đặc hữu, bản địa và các loài động, thực vật thuỷ sinh khác. Kế hoạch số 42/KH-UBND đề ra mục tiêu: Năm 2018 hoàn thiện trình Quy hoạch chi tiết, các Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; từ năm 2019-2020 thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần.
Để thực hiện tái tạo, bảo tồn, phát triển nguồn lợi và môi trường sống các loài thuỷ sản như kế hoạch đề ra, cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu những chính sách, biện pháp hiệu quả và làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, tiếp nhận thông tin và xử lý vi phạm.
Kế hoạch số 42/KH-UBND cũng quy định rõ khu vực cấm khai thác/ cấm khai thác có thời hạn, các đối tượng thuỷ sản cấm khai thác/ cấm khai thác có thời hạn và những hành vi, nghề khai thác thuỷ sản bị cấm. Để thực hiện nghiêm việc cấm này, Kế hoạch số 42/KH-UBND cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác thuỷ sản phù hợp nguồn lợi, ngư trường, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven bờ. Cụ thể, khu vực cấm khai thác gồm vùng lõi Vịnh Hạ Long và vùng bảo vệ nghiêm ngặt dưới biển (800ha) bao gồm vùng biển bao quanh các đảo tính từ mép bờ đường biên ngoài tại mức thuỷ triều cao nhất ra ngoài biển rộng trung bình 1km tại một số khu vực. Khu vực cấm khai thác có thời hạn bao gồm quần đảo Cô Tô và vùng phục hồi sinh thái thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát động tạo nguồn lợi thuỷ sản và trực tiếp đi thả 200 ngàn con cá giống nước ngọt xuống các hồ chứa nước lớn trên toàn tỉnh.
Bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản là quyền lợi, trách nhiệm của nhân dân, đặc biệt là ngư dân.
Để thực hiện Kế hoạch số 42/KH-UBND với mục tiêu thả 10 triệu con giống thuỷ sản rất cần sự chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của các cấp uỷ đảng, chính quyền, ban cán sự đảng, đảng đoàn; cấp uỷ các sở, ban, ngành cùng MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Nguyên Đan