Tính từ “trận đại hồng thủy” năm 2015 đến nay, mỗi lần mưa lớn xảy ra là nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Hạ Long lại bị ngập. 20 điểm "cứ mưa là ngập" tại các phường Hà Trung, Hà Khẩu, Hà Tu, Bãi Cháy, Hà Lầm, Hà Khánh, Giếng Đáy, Cao Thắng và những điểm ngập úng cục bộ tại chân dốc Ba Đèo (Đường 25/4), khu vực Cột Đồng Hồ, tổ 4, khu 6 (phường Việt Hưng), phường Yết Kiêu, phường Trần Hưng Đạo, các điểm sạt lở tại phường Hà Tu, Hồng Gai, Yết Kiêu, Bãi Cháy, đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Sống ở địa bàn ven biển nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo lụt đã khiến nhiều người dân Hạ Long băn khoăn hỏi sao lại vô lý đến vậy? Một trong những nguyên nhân được xác định là hạ tầng của thành phố khập khiễng, việc kết nối giữa các dự án trước và sau không có… đó là sự bất cập trong công tác quy hoạch và thực hiện theo đúng quy hoạch.
Trong khi đó, TP Hạ Long đang trong quá trình kiến tạo, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình được đầu tư xây dựng mới nên gây ảnh hưởng hoặc xung đột với các khu dân cư hiện trạng, tác động đến đời sống của một bộ phận nhân dân. Nhất là với các dự án đang trong quá trình thi công trên đồi cao đã làm trôi bùn đất xuống khu dân cư, gây ngập lụt cục bộ tại một số khu vực. Ngoài ra, nhiều nhà dân nằm trong khu vực đã quy hoạch làm dự án nhưng do dự án chậm tiến độ, người dân thông thể cải tạo nâng cao, hệ thống cống tiêu thoát nước bị bồi lấp, dẫn đến tình trạng mưa là ngập.
Dứt khoát không để ngập lụt gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thời gian qua, Hạ Long dành nguồn lực cao độ cho xử lý úng ngập trên địa bàn và tập trung cao độ đẩy nhanh tiến độ các công trình chống ngập. Hầu hết các tuyến thoát nước trên toàn thành phố đều được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, làm mới. Tranh thủ mùa khô, những ngày này, “đại công trường” Hạ Long đang tăng tốc các dự án, công trình chống ngập như: Thoát nước đường Nguyễn Văn Cừ, đường Tô Hiến Thành; mương thoát nước khu vực ngã ba Ba Lan (phường Giếng Đáy); mở rộng tiết diện hố thu nước hồ điều hòa Yết Kiêu; xây dựng trạm bơm công suất lớn để giải tỏa ngập lụt cho “khu lòng chảo” Cao Xanh; nạo vét, sửa chữa, xây dựng trạm bơm tăng áp công suất lớn tuyến mương liên phường Hà Trung, Hà Lầm, Cao Thắng, Cao Xanh….
Đến nay, nhiều công trình chống ngập của Hạ Long đã thi công xong như trạm bơm cưỡng bức tại đầu cống thoát nước của khu 2A, 2B (phường Cao Xanh) đã được đầu tư 3 tổ máy bơm có công suất 1.000 m3/giờ/máy, nhà trạm, máy phát điện, máy dự phòng, cánh phai. Tương tự như vậy, trạm bơm ở hồ điều hòa Yết Kiêu cũng đã được đầu tư nâng công suất máy bơm, hệ thống các thiết bị phụ trợ, lòng hồ được nạo vét, khơi thông…
Cùng với việc cải tạo hệ thống thoát nước, Hạ Long đang triển khai việc phủ xanh đô thị, nhất là ở các khu vực mái ta-luy, khu vực đồi để vừa đảm bảo môi trường, tạo cảnh quan và chống sạt lở; vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, chất thải sinh hoạt xuống hệ thống cống rãnh, cùng chính quyền nạo vét, khơi thông dòng chảy. Trong chương trình phát triển đô thị, thành phố đã xác định phải ưu tiên nghiên cứu xây dựng hệ thống thoát nước cho toàn đô thị và xử lý nước thải...
Phát triển kinh tế, đô thị phải đi đôi với giải quyết thấu đáo, đảm bảo đời sống nhân dân, để nhân dân được hưởng thụ những thành quả của quá trình phát triển đem lại, TP Hạ Long đang tập trung dành nguồn lực để xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh, trong đó có các công trình chống ngập lụt. Cam kết mùa mưa 2018 Hạ Long sẽ không bị ngập lụt của lãnh đạo thành phố đang được nhân dân theo dõi, giám sát và mong chờ!
Ngọc Lan