Những ngày qua, dư luận xã hội rất bức xúc, phẫn nộ trước vụ việc 10 con chó lao vào cắn một bé trai 7 tuổi tại khu vực sân vận động Kim Động cũ thuộc địa bàn thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, khiến bé thiệt mạng. Theo người dân ở khu vực xảy ra vụ việc, đàn chó thường ngày được thả rông và đã tấn công, cắn nhiều người dân qua đây.
Có lẽ, đây không phải là lần đầu sự việc đau lòng này xảy ra, khi trước đó, một bé gái 3 tuổi ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, bị chó Pitbull của nhà hàng xóm cắn nhiều nhát gây chấn thương nặng, phải cấp cứu tại bệnh viện. Hay vào tháng 1/2019, một bé gái 6 tuổi ở Nam Định bị chính chó nuôi trong nhà tấn công bị thương nặng…
Những vụ việc chó thả rông tấn công người liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Các quy định của pháp luật đã có, tại sao các vụ việc đau lòng vẫn cứ xảy ra và trách nhiệm thuộc về ai?
Nghị định 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định rõ: Chủ nuôi chó phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã, phường; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Đặc biệt là chó phải được đeo rọ mõm và có người dắt khi đi ở nơi đông người.
Còn Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT cũng quy định: Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì những hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó...
Có thể thấy, những quy định về nuôi, thả chó đã rất rõ ràng nhằm hạn chế thấp nhất sự nguy hiểm của loài vật này đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chưa có địa phương nào triển khai thực hiện quyết liệt, thường xuyên, hiệu quả các nghị định, thông tư đã được ban hành.
Không chỉ ở các tỉnh, thành phố trong nước, tại Quảng Ninh nói chung, TP Hạ Long nói riêng rất dễ dàng bắt gặp những con chó không được đeo rọ mõm, không có người dắt lang thang ở khắp các khu phố, tổ dân. Tuy trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra những vụ chó tấn công người dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, nhưng việc chó thả rông cắn người đi đường, hàng xóm, trẻ em… cũng không phải là hiếm. Thế nhưng việc thành lập các tổ, nhóm, đội… để thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm hành vi thả rông chó trên địa bàn các xã, phường hầu như không có.
Có thể thấy, quy định, chế tài xử phạt đã rất cụ thể, chi tiết, tuy nhiên việc triển khai thực hiện của cấp xã, phường - nơi được cho là chịu trách nhiệm chính, thực thi nhiệm vụ lại chưa nghiêm, dường như không có, điều này dẫn đến những sự việc đau lòng vẫn cứ xảy ra.
Thái Bình