21
3
Xã hội/
/xa-hoi
3355393
1500632
Mở rộng mạng lưới, nâng chất lượng nước sinh hoạt cho người dân
mo-rong-mang-luoi-nang-chat-luong-nuoc-sinh-hoat-cho-nguoi-dan
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Mở rộng mạng lưới, nâng chất lượng nước sinh hoạt cho người dân

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư hệ thống cấp nước sạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư hệ thống cấp nước sạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Theo Sở NN&MT, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 85,5% hộ sử dụng nước sạch đạt chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT, cao hơn so với mức 65% số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy định đề ra của Chính phủ. Trên toàn tỉnh có 287 công trình cấp nước tập trung.

Nhân viên Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh kiểm tra đường ống nước sạch tại TP Móng Cái.
Nhân viên Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh kiểm tra đường ống nước sạch tại TP Móng Cái.

Tại TP Hạ Long, nơi tưởng chừng luôn “no đủ” về hạ tầng, nhưng ở các xã miền núi như Đồng Sơn, Kỳ Thượng, người dân vẫn chủ yếu dựa vào nước mưa, suối hoặc giếng khoan, chất lượng không đảm bảo. Mùa khô thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước. Trước thực tế đó, vừa qua TP Hạ Long đang đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng 4 công trình cấp nước tập trung, kỳ vọng cung cấp nước sạch cho hơn 4.000 hộ dân tại 10 xã miền núi, hoàn thành trước ngày 30/5/2025, nâng tỷ lệ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 87,19%.

Là địa phương có cả đô thị và nông thôn xen kẽ, TP Đông Triều đang quyết liệt cải thiện hạ tầng nước sạch. Hết năm 2024, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt 100%. Xã Tràng Lương, một địa phương miền núi với đa số đồng bào dân tộc thiểu số thuộc TP Đông Triều đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc cung cấp nước sạch cho người dân. Trước đây, 100% hộ dân trong xã phải sử dụng nước từ giếng khoan, giếng khơi hoặc khe suối, không đảm bảo chất lượng và trữ lượng, đặc biệt vào mùa khô.

Nhằm cải thiện tình hình, từ tháng 10/2023, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã phối hợp với TP Đông Triều triển khai dự án cấp nước sạch cho xã Tràng Lương. Dự án bao gồm việc lắp đặt tuyến ống trục chính dài khoảng 8.000m từ Nhà máy nước Miếu Hương (phường Bình Khê) đến trung tâm xã, cùng với các tuyến ống phân phối dài khoảng 17.000m đến các thôn. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 10 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản hơn 800 hộ dân xã Tràng Lương đã được sử dụng nước sạch, đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân địa phương.

Anh Diệp Văn Hưng, thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương phấn khởi khi được sử dụng nước sạch.
Anh Diệp Văn Hưng, thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương phấn khởi khi được sử dụng nước sạch.

Anh Diệp Văn Hưng, thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương, cho biết: Trước đây người dân phải sử dụng nước từ các khe suối, không đảm bảo vệ sinh. Xã Tràng Lương cùng Xí nghiệp nước Đông Triều đã triển khai lắp đặt hệ thống mạng lưới cung cấp nước sạch từ nhà máy nước Miếu Hương đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho các hộ dân trên địa bàn xã. Dùng nước sạch sức khỏe người dân sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Nhiều địa phương biên giới, miền núi, huyện đảo tỷ lệ hộ gia đình ở các xã nông thôn sử dụng nước sạch cao như huyện Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên… Những kết quả đó cho thấy độ phủ nước sinh hoạt đạt chuẩn cho người dân đang ngày càng được mở rộng.

Dù đạt nhiều kết quả, nhưng việc mở rộng nước sạch ở Quảng Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn: Nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi một số công trình không thu phí, không có chi phí bảo trì nên nhanh chóng xuống cấp; tâm lý người dân nông thôn còn e ngại chi trả tiền nước hằng tháng, chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích nước sạch; địa hình khó khăn, dân cư phân tán khiến việc kéo đường ống tốn kém, nhất là ở các địa phương thuộc vùng cao của Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu. Ngoài ra, 16,61% công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh đang không hoạt động, một phần do hư hỏng, phần khác chưa được thanh lý khỏi danh mục theo dõi, cũng có một số được đầu tư cải tạo.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó phòng Quản lý thuỷ lợi, Chi cục Thuỷ Lợi, Sở NN&MT, để khắc phục tồn tại, tỉnh đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp: Đầu tư thêm 20 công trình cấp nước nông thôn trong giai đoạn 2024-2025, cung cấp nước sạch cho gần 15.000 hộ dân vùng sâu, xa; cải tạo 13 công trình cũ, đảm bảo đạt quy chuẩn chất lượng nước; tăng cường phối hợp với địa phương, tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người dân đấu nối mạng nước; xây dựng giá nước hợp lý, nâng cao chất lượng quản lý vận hành, đào tạo đội ngũ kỹ thuật. 

Với sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền và doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa nước sạch đến từng hộ dân, từng ngọn đồi, từng thôn bản. 

Cùng chuyên mục