Theo “Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017” do Công ty Appota công bố tháng 5-2017, Việt Nam đứng thứ 16/20 quốc gia có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người, có 131,9 triệu thuê bao di động; 38 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó có 94% sử dụng mobile để vào mạng xã hội hàng ngày, dùng để nhắn tin là 91%, tìm kiếm thông tin 87%, truyền thông và giải trí 73%, âm nhạc 72%, trò chơi 67%, đọc tin tức và thời tiết 65%...
Như chúng ta đã biết tiện ích to lớn của việc dùng mạng xã hội đối với con người. Nó được ứng dụng rộng rãi trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá, giải trí, an ninh quốc phòng, mua bán, trao đổi, chia sẻ.v.v.. Miễn là có hạ tầng mạng viễn thông, mọi thông tin đều có thể chia sẻ tới bất kỳ một nơi nào trên trái đất. Ai cũng có thể “phát” đi một thông điệp của mình. Tại Việt Nam, mạng xã hội, nhất là facebook, zalo, twitter, instagram là các kênh thông tin hữu ích để chia sẻ, kêu gọi những hoạt động thiện nguyện ủng hộ đồng bào lũ lụt hay một hoàn cảnh cụ thể khó khăn nào đó. Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động trong cuộc sống; những bệnh nhân nghèo, những mảnh đời yếu thế được cộng đồng mạng chia sẻ, ủng hộ vật chất và tinh thần vượt qua cơn hoạn nạn, thậm chí có những con vật bị chủ nuôi ruồng bỏ đã được cứu hộ kịp thời nhờ những chia sẻ trên mạng. Nhiều group (nhóm) đã được lập để kết nối thông tin, chia sẻ công việc làm ăn, học tập, hội họp hay kinh nghiệm chăm con cái. Đặc biệt, mạng xã hội đã vô hình trở thành công cụ giám sát trong xã hội. Không ít tài xế vi phạm pháp luật về giao thông, không ít cán bộ vi phạm kỷ luật, kỷ cương đã bị xử lý từ những thông tin cộng đồng mạng chia sẻ.
Mặc dù vô cùng ích lợi, nhưng ngược lại mạng xã hội cũng gây ra bao hậu quả hệ luỵ. Giống như cái chợ, người ta sẵn sàng chia sẻ lên mạng đủ mọi thứ chuyện trên đời, từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống kiểu “chuyện phiếm đêm khuya” đến những bình luận thời sự thế giới tận... bên kia bán cầu. Nhiều người nghiện mạng xã hội, ngồi bất cứ đâu, rảnh là vào thế giới ảo, lướt “phây”, “chém” gió, thậm chí ngay trong các cuộc họp, bữa ăn. Không nói đến những thế lực thù địch dùng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích dân tộc thì các vụ việc vi phạm pháp luật, an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế, lừa đảo liên quan đến mạng xã hội xảy ra rất nhiều. Có những người dùng mạng xã hội tung tin thất thiệt chỉ để câu like (thích) nhưng gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế như đã từng có trường hợp tung tin dịch Ebola ở Hà Nội, tin máy bay rơi ở Nội Bài. Gần đây nhất, 1 thanh niên tên H. ở Hà Nam đã đăng lên tài khoản cá nhân ảnh kèm thông tin đã xảy ra 1 vụ thảm sát trong đêm ở Nam Định làm 8 người trong gia đình thiệt mạng gây xôn xao dư luận. Công an vào cuộc điều tra, làm rõ thì H. khai đã lấy ảnh trên mạng vụ thảm sát ở Bình Phước rồi thay thành thảm sát ở Nam Định, sau đó đăng trên mạng raovatnamdinh “câu like” để kiếm tiền (vì mỗi cú click chuột vào thông tin, nhà mạng trả cho H. 200 đồng). Còn vô vàn những câu chuyện khác về pháp luật liên quan đến mạng xã hội không thể nói hết.
Mạng xã hội - sử dụng sao cho đúng để phát huy được lợi ích của nó đòi hỏi tổng hoà của rất nhiều yếu tố từ hệ thống văn bản pháp luật đến cơ quan quản lý, sự phối hợp, nhưng trước hết là trách nhiệm của người dùng. Mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để sử dụng mạng đúng quy định, phòng tránh những hệ luỵ, thậm chí vi phạm pháp luật từ mạng xã hội.
Trần Minh