Ý tưởng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đang thu hút sự quan tâm đáng kể ở Canada trong bối cảnh quan hệ với Mỹ ngày càng căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ngày 21/4, theo tờ Politico, việc Canada trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của cuộc bầu cử liên bang sắp tới.
Tuy nhiên, ý tưởng này đang thu hút sự quan tâm đáng kể trong bối cảnh quan hệ với Mỹ ngày càng căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các cuộc thăm dò cho thấy một bộ phận đáng kể người dân Canada đang hướng sự kỳ vọng về phía châu Âu như một đối tác ổn định và đáng tin cậy hơn.
Theo kết quả khảo sát gần đây, 44% người Canada ủng hộ khả năng gia nhập EU, trong khi 34% phản đối. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Paula Pinho đánh giá cao sự quan tâm từ phía Canada, song nhấn mạnh rằng theo quy định trong các hiệp ước của EU, chỉ những quốc gia châu Âu mới đủ điều kiện trở thành thành viên.
Dù vậy, một số chuyên gia châu Âu cho rằng đây không hẳn là điều bất khả thi. Giáo sư Giselle Bosse tại Đại học Maastricht cho rằng trở thành quốc gia châu Âu không đơn thuần là vấn đề địa lý, mà còn là một “trạng thái tinh thần”. Theo bà, khái niệm “quốc gia châu Âu” chưa từng được định nghĩa cụ thể trong các văn kiện pháp lý của EU và nhiều nước thành viên hiện nay sở hữu lãnh thổ ngoài lục địa châu Âu, như tại Caribe, Bắc Cực hay Thái Bình Dương.
Giáo sư Bosse lập luận rằng Canada có nhiều yếu tố gần gũi với châu Âu: từ mô hình nhà nước phúc lợi, hệ thống chính trị - pháp luật, đến di sản văn hóa - xã hội mang đậm dấu ấn châu Âu. Bà gọi Canada là “quốc gia châu Âu đặc biệt, theo một cách nào đó”.
Chung quan điểm, Giáo sư Frank Schimmelfennig tại ETH Zurich khẳng định Canada “chắc chắn đủ điều kiện” trở thành thành viên EU. Ông cho rằng xét về thể chế, giá trị và chính sách, Canada thậm chí còn tương đồng với EU hơn nhiều quốc gia đang là ứng cử viên chính thức hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng thuận rằng khả năng này vẫn còn xa vời. Theo Giáo sư Bosse, kết quả thăm dò tại Canada phản ánh cảm xúc nhất thời hơn là một chiến lược chính sách được hoạch định rõ ràng. Bà lưu ý rằng các quốc gia Trung và Đông Âu khi gia nhập EU vào năm 2004 đều khẳng định mong muốn “trở về châu Âu”, điều mà Canada hiện chưa thể hiện một cách nhất quán.
Về phần mình, Phó Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu Ian Bond nhấn mạnh những rào cản mang tính thực tế. Ông cảnh báo rằng nếu gia nhập EU, Canada sẽ buộc phải tuân thủ các quy định về thương mại, hải quan và thuế quan của khối, bao gồm cả việc thiết lập đường biên thuế quan với Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Theo ông, điều đó sẽ gây ra những tổn thất kinh tế đáng kể, vượt xa bất kỳ lợi ích tiềm năng nào mà tư cách thành viên EU có thể mang lại.
Thêm vào đó, việc kết nạp một quốc gia mới vào EU cần sự đồng thuận tuyệt đối từ tất cả các thành viên hiện tại và trong một số trường hợp còn yêu cầu trưng cầu dân ý. Ông Bond dẫn ví dụ về nông dân Pháp - lực lượng có ảnh hưởng lớn đến chính sách thương mại - vốn thường xuyên phản đối các hiệp định tự do thương mại và có thể gây sức ép chính trị nếu lo ngại cạnh tranh từ Canada.
Tiến trình gia nhập EU của Canada nếu xảy ra, cũng có thể làm dấy lên làn sóng phản ứng từ các quốc gia đã chờ đợi nhiều năm để được kết nạp, như Thổ Nhĩ Kỳ. Đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ từng bị bác bỏ với lý do quốc gia này không thuộc châu Âu, điều có thể được viện dẫn trở lại trong trường hợp của Canada.
Trong bối cảnh đó, một lựa chọn thực tế hơn đối với Canada có thể là tăng cường quan hệ đối tác kinh tế với Liên minh châu Âu. Thủ tướng Mark Carney, trong chuyến công du đầu tiên tới Pháp vào ngày 17/3, đã đề xuất mở rộng hợp tác kinh tế, quốc phòng và thương mại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tuy nhiên, trong một phát biểu gây chú ý, ông Carney mô tả Canada là quốc gia châu Âu nhất trong số các quốc gia không phải châu Âu - một tuyên bố có thể phản tác dụng nếu Ottawa thực sự cân nhắc việc nộp đơn xin gia nhập EU trong tương lai.
Dù còn nhiều tranh cãi và hoài nghi, câu hỏi về khả năng Canada trở thành thành viên EU đang mở ra một hướng tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại của Ottawa, trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn tái định hình các liên minh và giá trị địa chính trị.