Trong những năm gần đây, khái niệm “rau sạch”, “thịt sạch”, “rau an toàn”, “thực phẩm bẩn” v.v.. đã trở thành mối quan tâm thường trực, là câu chuyện từ nhà ra ngõ, ra chợ và lên đến diễn đàn Quốc hội. Mà không lo sao được khi mà đây đó xảy ra những chuyện, nào là phở ngựa giả bò, thịt lợn sề thành thịt bò, bã sắn thành khô mực, lợn chết thối thành lợn sữa, nội tạng phân huỷ thành nầm dê, hoa quả ngâm thuốc cho mau chín, lâu hỏng... Qua báo chí, truyền thông có thể thấy, việc vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đã diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh rau củ; nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo... Gần như ai cũng biết, việc sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra nhiều hệ lụy về sức khoẻ của người dân, như gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc gây ra các bệnh rối loạn chuyển hoá chất của cơ thể, tim mạch, ung thư...
Như một phản xạ, người tiêu dùng cảnh giác hơn mỗi khi ra chợ sắm sửa cho bữa ăn gia đình. Chính vì cảnh giác với thực phẩm bẩn, nhiều người tiêu dùng tự bảo vệ mình bằng cách tìm mua các thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng, cơ sở cung cấp uy tín, chất lượng. Nhiều gia đình ở đô thị tận dụng không gian để trồng các chậu rau, người ở quê thì chăn nuôi lợn, gia cầm phục vụ nhu cầu của gia đình và chia sẻ với người thân. Nói một cách khác, chính vì nhận thức được sự nguy hại của sử dụng thực phẩm không an toàn đối với sức khoẻ đã thúc đẩy ra đời các cơ sở chăn nuôi, trồng rau an toàn đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, do lợi nhuận, không ít cơ sở, cá nhân vẫn bất chấp quy định của pháp luật để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, gây nguy hại cho sức khoẻ con người. Không chỉ có vậy, “vấn nạn” thực phẩm không an toàn còn gây nhiều hệ lụy đến đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế. Những cơ sở, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm “bẩn” phải chăng không nhận ra chính họ cũng là nạn nhân? Bởi bản thân, gia đình họ cũng phải sử dụng thực phẩm từ các nguồn cung cấp. Cái vòng quẩn ấy cuối cùng chính là làm suy giảm giống nòi Việt mà đối tượng gánh chịu chính là thế hệ tương lai của nước Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà năm qua, vấn đề an toàn thực phẩm đã từng “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV đã có 426 trên tổng số 494 đại biểu Quốc hội (trong đó có 377 ý kiến) tán thành Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Ngày 20-12-2016, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức tết năm 2017, trong đó đã yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể nhân dân kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Gần đây nhất, ngày 30-12-2016, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về mở đợt cao điểm tấn công tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán 2017, yêu cầu các lực lượng chức năng siết chặt quản lý, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.
Hơn lúc nào hết, đặc biệt là dịp tết, an toàn thực phẩm đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi cơ sở, doanh nghiệp đến từng người dân bằng lương tâm và trách nhiệm cần tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ giống nòi và cũng là bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình mình.
Trần Minh