Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 2 năm liên tiếp (2014, 2015) số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn tỉnh là không nhỏ. Cụ thể, năm 2014 có 568 doanh nghiệp; năm 2015 có 551 doanh nghiệp. Còn ở năm 2016 này, tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh có 132 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH trên 3 tháng với tổng số tiền 77,1 tỷ đồng. Theo đó, 5.694 lao động đang bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi.
Có thể thấy, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH đã trở thành vấn nạn không chỉ riêng ở Quảng Ninh nếu chúng ta nhìn rộng ra trên phạm vi cả nước. Song, giải pháp mạnh nào để thực sự xử lý triệt để việc này thì xem ra vẫn đang là câu hỏi không dễ.
Cách đây 3 tháng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức cho “bêu tên” 10 doanh nghiệp “điển hình” trong việc chây ỳ, chậm nộp quỹ bảo hiểm cho người lao động dù không gặp khó khăn. Trong số 10 doanh nghiệp này (chủ yếu ở địa bàn TP Hạ Long) thì đơn vị nợ thấp nhất trên 300 triệu đồng và đơn vị nhiều nhất là Công ty CP Thống Nhất 508 nợ 2,9 tỷ đồng.
Gần đây nhất, 3 đơn vị chức năng gồm Sở LĐ,TB &XH - BHXH - LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức thanh tra 15 doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Qua đợt thanh tra này, cơ quan chức năng sẽ phạt vi phạm hành chính, yêu cầu nộp tiền nợ bảo hiểm; nếu doanh nghiệp không chấp hành sẽ khởi kiện. Được biết, cùng với tổ chức LĐLĐ của 11 tỉnh, thành phố thì LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị thực hiện thí điểm việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH.
Có thể thấy, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH không còn là chuyện mới, điểm khác ở đây chỉ là chủ thể đứng đơn. Bởi, theo quy định của Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ 1-1-2016) thì tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH mà phải là công đoàn cơ sở. Song, như trong bài phóng sự “Người lao động bị… treo quyền lợi” đăng trên báo Quảng Ninh gần đây đã nêu, bước chuyển giao này đang vấp phải những khó khăn nhất định như chưa có hướng dẫn cụ thể, quy trình khởi kiện khi chuyển giao cho tổ chức công đoàn. Và, có lẽ, đây cũng là lý do mà Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thực hiện việc này thí điểm với 12 LĐLĐ trong những tháng cuối năm 2016.
Vậy làm thế nào để khi tổ chức Công đoàn khởi kiện sẽ không “vấp” phải những cái “vướng” đã từng xảy ra khi trước đây cơ quan BHXH khởi kiện. Cụ thể như năm 2014, BHXH huyện Hoành Bồ đã khởi kiện doanh nghiệp tư nhân Hưng Long và dù tòa đã có quyết định buộc doanh nghiệp này phải có trách nhiệm nộp số tiền nợ BHXH, nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành. Như vậy là, câu chuyện doanh nghiệp nợ bảo hiểm và việc khởi kiện doanh nghiệp nợ xem ra vẫn đang trong tình trạng “tít mù nó lại vòng quanh”. Chính vì vậy, với bước chuyển giao mới về chủ thể đòi nợ, rất mong, tổ chức Công đoàn cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng và có sự phối hợp thật chặt chẽ với tòa án nhân dân, cơ quan BHXH để việc khởi kiện phải thực sự mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra.
Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, tại buổi gặp gỡ, đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc với công nhân lao động diễn ra trong tháng 5-2016, khi tiếp nhận các ý kiến phản ánh về việc doanh nghiệp chây ỳ, chậm đóng BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi, chính sách của người lao động, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có chỉ đạo, tuyệt đối không để trường hợp người lao động bị ảnh hưởng đến chế độ hưu trí, tai nạn lao động, nghỉ ốm đau, thai sản do doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Và, chúng ta cũng đều biết, trong sự đồng hành với doanh nghiệp đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện rất tốt, hiệu quả thì cũng không có nghĩa chấp nhận những doanh nghiệp “mượn” lý do khó khăn để nợ đọng BHXH… Mong rằng, với tinh thần cương quyết cùng giải pháp mạnh của tỉnh và sự vào cuộc mới của tổ chức Công đoàn, vấn nạn nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh sẽ được từng bước tháo gỡ.
Ngọc Lê[links()]