Trong chuyến khảo sát thực tế tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (ngày 7/11), trong đó có một số đảo lớn như Trà Ngọ, Ba Mùn, Minh Châu, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long thời gian qua, cũng đã yêu cầu đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý hơn nữa.
Bởi lẽ, Vườn Quốc gia Bái Tử Long có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là khi hiện nay Vân Đồn đang được quy hoạch, xây dựng trở thành Đặc khu. Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo trước mắt phải khẩn trương tháo dỡ, di dời các điểm chế biến sứa dọc các đảo Ba Mùn, Minh Châu; tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng Trâm trên đảo Minh Châu; xử lý nghiêm các điểm kinh doanh du lịch tự phát trên đảo, dứt khoát trong tháng 11 phải xử lý xong...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ngay sau đó, ngày 9/11, UBND xã Minh Châu đã tổ chức ra quân, huy động máy móc, phương tiện tháo dỡ các công trình, điểm kinh doanh du lịch tự phát trên địa bàn, trả lại mặt bằng, không gian thông thoáng cho bãi biển Minh Châu. Việc làm này không chỉ thể hiện sự nghiêm túc, khẩn trương trong thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, mà còn góp phần quan trọng vào việc làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn xã Minh Châu nói riêng, các xã đảo khác và của cả tỉnh nói chung, để qua đó tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách...
Cùng với việc làm này, huyện Vân Đồn cũng cần khẩn trương chỉ đạo các xã liên quan tháo dỡ, di dời các điểm chế biến sứa dọc đảo Ba Mùn, Minh Châu để tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cảnh quan của khu vực vốn rất giàu tiềm năng về du lịch...
Vịnh Bái Tử Long, các xã đảo của huyện Vân Đồn có nhiều giá trị đặc sắc, đa dạng về hệ sinh thái rừng, biển; có nhiều bãi biển còn chứa đựng những nét hoang sơ, do vậy trong những năm qua lượng du khách tìm đến các điểm du lịch trên địa bàn liên tục tăng. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều điểm kinh doanh du lịch tự phát đã mọc lên, không tuân thủ các quy định của Nhà nước. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm hàng quán kinh doanh không đúng quy hoạch, rác thải không được thu gom, xử lý tốt đã làm ảnh hưởng đến môi trường, trật tự trên địa bàn...
Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên trước hết thuộc về trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền địa phương, trong đó có sự thiếu kiên quyết, triệt để trong việc xử lý các vi phạm. Về phía người dân, do nhận thức còn hạn chế, chạy theo cái lợi trước mắt, nên đã tự phát đua nhau đầu tư, mở các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch ở dọc các bãi biển, làm cho các khu vực này trở nên nhếch nhác, tạm bợ, không tương xứng với giá trị, tiềm năng của các điểm du lịch. Đặc biệt, trong quá trình khai thác phục vụ cho du lịch và đời sống, yếu tố bảo tồn cũng chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, nhiều cảnh vật, giá trị có nguy cơ bị xuống cấp, tàn phá. Trong đó đáng chú ý là nhiều loài thủy sản có nguy cơ bị biến mất do cách khai thác mang tính hủy diệt của người dân...
Bởi vậy, bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị về cảnh quan, hệ động thực vật để phục vụ cho sự phát triển lâu dài, bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh Đặc khu Vân Đồn đang được khẩn trương xây dựng là nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng của cấp ủy, chính quyền huyện Vân Đồn và các xã đảo trên địa bàn. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cần phải luôn chủ động, sâu sát và quyết liệt xử lý những vấn đề phát sinh trên địa bàn. Tránh tình trạng chỉ tích cực vào cuộc khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, như vừa mới diễn ra ở xã Minh Châu và một số địa phương khác...
Thanh Tùng