Cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế xã hội, công tác bất bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội khoá XI ban hành tháng 11-2006 là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy quá trình xoá bỏ khoảng cách giới ở nước ta.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều biện pháp không ngừng được các cơ quan chức năng, chính quyền, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh trên nhiều “kênh” thông tin khác nhau; trình độ nhận thức về giới cũng như vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại được nâng lên.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng do chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tư tưởng, hủ tục lạc hậu tồn tại qua hàng ngàn năm, đến nay, định kiến giới vẫn là vấn đề gây bức xúc lớn trong đời sống xã hội, nhất là trong một bộ phận gia đình Việt Nam.
Đáng nói, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn còn gây áp lực nặng nề cho không ít phụ nữ trong xã hội, không chỉ ở nông thôn mà còn hiện hữu ngay ở các đô thị, trong không ít một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Không thiếu những câu chuyện gia đình có hai con gái nhưng quyết sinh con thứ ba để kiếm con trai cho “đủ nếp, đủ tẻ”, “kiếm thằng chống gậy”. Người ta rỉ tai nhau ông thầy X rất giỏi bốc thuốc uống sinh con trai hay sang Hải Phòng đến bệnh viện Y sàng… tinh chắc chắc sinh con như ý muốn.
Có những người tư tưởng nặng hơn như quan điểm “sinh toàn vịt giời thì xây nhà, sắm sửa làm gì”, rồi đang sống đã lo sau này mình chết ai sẽ lo phần khói hương, thờ cúng.v.v. Có không ít gia đình đã tan vỡ chỉ vì tư tưởng trọng nam khinh nữ từ người chồng hay gia đình người chồng, do chỉ vì muốn có con trai mà người chồng tìm người thứ ba để “cơi nới” tìm kiếm con trai. Không hiếm gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, vun vén cho con trai mà thờ ơ với con gái... Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang ngày càng cao và Quảng Ninh là một trong số đó.
Theo thống kê của Chi cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình tỉnh, năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh tại Quảng Ninh đã ở mức 114 bé trai/100 bé gái, con số này năm 2016 là 112,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái- tức bằng với con số chung của cả nước. Các chuyên gia dự báo, nếu thực trạng hiện nay không thay đổi, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3 đến 4,3 triệu nam giới và sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Bên cạnh đó, trong guồng quay kinh tế thị trường, mặc dù cả đàn ông và phụ nữ đều đi làm và tham gia công tác xã hội nhưng vẫn tồn tại khá phổ biến quan điểm công việc nội trợ, bếp núc, giặc giũ, chăm sóc con cái trong gia đình là trách nhiệm của phụ nữ. Chính sự bảo thủ trong định kiến giới được bảo lưu trong một bộ phận gia đình Việt Nam với những mức độ khác nhau, đã làm cản trở cơ hội học hành, khả năng cống hiến của người phụ nữ trong các hoạt động xã hội.
Thiết nghĩ, gia đình là tế bào của xã hội. Văn hoá gia đình là nền tảng của văn hoá xã hội. Vì thế, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình có vai trò quan trọng, là cơ sở thực hiện bình đẳng giới ngoài xã hội. Tuy nhiên, bình đẳng giới gia đình chỉ có thể đạt được khi bản thân người phụ nữ luôn có ý thức tự vươn lên, đồng thời người đàn ông phải có ý thức chia sẻ, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người phụ nữ khẳng định vai trò của mình.
Để hạn chế, tiến tới chấm dứt bất bình đẳng giới trong gia đình, không gì khác là phải nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền về giới không chỉ với phụ nữ mà còn với cả nam giới; tuyên truyền để thay đổi nhận thực, hành vi trong ứng xử gia đình giữa nam giới- nữ giới, bố mẹ- con cái, từ đó dần xoá bỏ định kiến và khoảng cách về giới. Tăng cường giáo dục về giới trong nhà trường đối với thanh, thiếu niên, giúp các em hiểu, ý thức và có trách nhiệm về giới sau này.
Chống bất bình đẳng giới, đây không chỉ là vấn đề của từng gia đình mà còn cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
Trần Minh