21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2345203
712286
Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại?
lam-gi-de-bao-ve-tre-khoi-bi-xam-hai
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại?

Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, gây bức xúc dư luận.

Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, gây bức xúc dư luận. Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), năm 2016, toàn quốc phát hiện 1.248 vụ xâm hại tình dục/1.641 vụ xâm hại trẻ em (77% tổng số vụ xâm hại trẻ em). Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu trẻ em gái (1.358 cháu, chiếm 84%), phần lớn trong độ tuổi từ 13-16 (với 1.037 cháu), trong độ tuổi 6-13 tuổi là 479 cháu, còn lại dưới 6 tuổi là 120 cháu. Đó là những vụ việc phát giác, còn thực tế con số hẳn hơn thế rất nhiều.

Theo thông tin các vụ việc được nêu trên báo chí truyền thông, nguyên nhân trẻ em bị xâm hại tình dục có rất nhiều, diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Có trường hợp cha mẹ mải làm ăn kiếm sống mà không quan tâm đến con cái, trường hợp trẻ bị dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc, có trường hợp trẻ đua đòi, không nghe lời cha mẹ nên khi gặp người xấu thì việc bị xâm hại tình dục càng dễ xảy ra. Những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em có đủ các lứa tuổi, từ mười mấy, hai mươi đến sáu mươi, bảy mươi tuổi, do nhu cầu bệnh hoạn, do tác động của phim ảnh đồi trụy, internet, đua đòi ăn chơi, khi có nhu cầu tình dục thì tìm đến trẻ em. Đắng lòng hơn, có trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân, ruột thịt của mình.

Theo các nhà tâm lý học, những trẻ bị xâm hại tình dục, ngoài nỗi đau về thể xác thì nghiêm trọng hơn là bị sang chấn tâm lý, nhiều trường hợp bị tự kỷ, hoang mang, lo sợ, ám ảnh đến suốt đời, dẫn đến sự phát triển không bình thường, dễ hận thù và bế tắc với cuộc sống, dễ sa vào các tệ nạn xã hội khác. Thậm chí, có trường hợp trẻ không vượt qua sốc tâm lý đã tự tử.

Chúng ta phải làm gì để giảm thiểu những vụ xâm hại tình dục trẻ em? Có ý kiến cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, phải xử lý thật nghiêm minh các đối tượng có hành vi này. Ngoài việc giáo dục cho con trẻ kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ thì các bậc cha mẹ, những người thân trong gia đình phải luôn phòng ngừa những tình huống có thể xảy ra với trẻ, không bao giờ được đẩy trẻ vào những tình thế không thể kháng cự và không có người kiểm soát. Có như vậy, chúng ta mới có thể cho con trẻ một cuộc sống an toàn. Chung quan điểm này, trên báo chí, bà Ninh Thị Hồng, Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, từ nhỏ trẻ em cần được dạy là phải biết nghe lời người lớn, làm theo những chuẩn mực người lớn đặt ra. Trẻ cần được dạy từ những việc cụ thể như không nên mặc quần áo quá ngắn, khi đi đường vắng cần đi với hai người hoặc khi ai đó có hành động động chạm vào vùng “nhạy cảm” thì phải nói không và phản ứng gay gắt với kẻ biến thái. Cùng với đó, phải nói cho các em biết rõ là những bộ phận nào trên cơ thể mình không được cho người lạ sờ vào và khi bị xâm hại, cần mách ngay cho bố mẹ, thầy cô giáo, người lớn biết để giúp đỡ...

Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều sự quan tâm đến trẻ em. Ngày 5-11-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Ngày 22-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2361/QĐ-TTg phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 phát động trên toàn quốc có chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” được tổ chức trùng thời điểm Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực (1-6-2017). Mục tiêu nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, nhà trường, gia đình, xã hội v.v.. chính là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại tình dục. Điều 25 Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”.

Trần Minh

Cùng chuyên mục