Cheo cheo, loài thú rừng nguy cấp, quý hiếm đang được một hộ dân tỉnh Kon Tum nhân nuôi sinh sản thành đàn, mở ra cơ hội duy trì và nhân rộng nguồn gene quý.

Không chỉ giúp bảo tồn loài thú đặc biệt này, mô hình nuôi cheo cheo đang hái ra tiền bởi thị trường có nhu cầu rất cao, không đáp ứng đủ.
Loài thú nhỏ xíu vừa giống hươu vừa giống chuột
Trang trại nhỏ chừng 300m2 nằm nép mình bên lô cao su cạnh quốc lộ 14 qua phường Ngô Mây, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) ẩn chứa một bí mật thú vị.
Bên trong bức tường gạch xây cao và tấm cửa sắt quây kín, 20 chiếc chuồng gạch nhỏ là nơi sinh sống hàng chục con cheo cheo nhỏ xíu. Loài thú rừng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang có nhiều hy vọng vào tương lai dù số lượng ngoài tự nhiên liên tục sụt giảm từng năm.
Nhác thấy bóng người, những chú cheo cheo nhỏ dễ thương như con mèo mở to đôi mắt cảnh giác rồi bẽn lẽn nép mình vào "ngôi nhà" được dựng bằng hai tấm gạch men.
Loài này thật khác lạ bởi dù là thú móng guốc như hươu nai nhưng kích thước rất nhỏ, mỗi con trưởng thành chỉ dài khoảng 20 - 30cm và cân nặng loanh quanh 2kg. Do trọng lượng nhỏ, bốn chân cheo cheo trông như que sậy, khá dễ tổn thương.
Bởi vóc dáng nhỏ bé, cheo cheo trông rất ngộ nghĩnh, nhìn vừa giống hươu vừa giống chuột và đang nắm giữ danh hiệu là loài thú móng guốc nhỏ nhất thế giới. Từng là loài thú sinh sống phổ biến trong các khu rừng từ Bắc tới Nam, cheo cheo ngày càng hiếm dần bởi bị săn bắt quá mức và môi trường sống thu hẹp.
Quét dọn chuồng trại xong xuôi, bà chủ trang trại Lê Thị Lan (38 tuổi) thả vào mỗi chuồng một nắm rau lang cho bầy cheo cheo thư thả nhấm nháp.
Người phụ nữ ôm một con cheo cheo lên ngang ngực, vạch bụng ra xem rồi khoe rằng con cái này sắp đẻ lứa mới.
Khách tham quan khen bà chủ khéo tay, nuôi thú rừng quý hiếm mà nhàn hơn nuôi heo, chị Lan nhẹ nhàng bảo: "Nhìn vậy nhưng không phải vậy đâu mấy chú! Để xây dựng được mô hình chăn nuôi thành công như hôm nay, tôi đã mất hơn 5 năm mày mò và nhiều lần trả giá bằng những bài học kinh nghiệm hàng trăm triệu đồng khi cheo cheo chết".
Người phụ nữ mặt hoa da phấn nhưng có đam mê khá đặc biệt với các loại thú rừng. Trước khi nuôi cheo cheo, chị từng thử sức với việc nuôi chồn, nuôi dúi.
Nhưng sớm nhận ra những loài vật này đang được nhiều người nuôi, thị trường sớm muộn cũng bão hòa, chị nhanh trí nghĩ tới nghề nuôi độc đáo là con cheo cheo.
Chị Lan bảo cheo cheo có nhiều đặc tính để giữ được giá trị ổn định qua thời gian. Đó là không như một số loài có thể đẻ vài con non mỗi lứa, giống cheo cheo sinh đẻ mỗi lứa chỉ một con, họa hoằn lắm mới có lứa đẻ hai con.
Chính đặc tính này khiến nuôi cheo cheo khó phát triển nhanh bầy đàn. Nguồn cung ra thị trường vì vậy sẽ được giới hạn, đảm bảo duy trì giá tốt.

Cheo cheo giống 10 triệu đồng/cặp, nuôi không đủ bán
Trong 5 năm mày mò tìm hướng nuôi, chị Lan đã vô số lần thất bại khi cheo cheo không hợp môi trường, dịch bệnh hoặc cắn xé lẫn nhau chết dần, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhưng từ những kinh nghiệm quý giá đó, chị đã hiểu được tập tính sinh sống của loài vật đặc biệt này.
"Con cheo cheo đực có tập tính lãnh thổ rất cao, nếu thả chung nhiều con đực vào cùng chuồng con cái sẽ dẫn tới tranh giành và cắn nhau đến chết.
Ngoài ra, giống này có tập tính bầy đàn, không thể thả những con khác bầy vào sống cùng nhau vì sẽ xảy ra đánh nhau. Giống cheo cheo ít bệnh nhưng hay gặp tình trạng tiêu chảy, viêm da, nếu không phát hiện chữa trị kịp thời cũng rất dễ chết", chị Lan nói.
Theo chị, con cheo cheo trọng lượng khá nhỏ nên ăn uống rất ít, nuôi không tốn mấy. Tiền thức ăn cho mỗi con một ngày tính ra chỉ khoảng 2.000 đồng, bao gồm cám viên, rau xanh.
Là loài mới được nhân nuôi, chị Lan cho biết nhu cầu thị trường rất lớn. Do tổng đàn còn hạn chế, chị ưu tiên nuôi sinh sản để nhân rộng, rất ít khi bán ra bên ngoài. Thỉnh thoảng mới bán vài cặp làm giống cho những hộ có nhu cầu tìm hiểu để nuôi. Chỉ những con cheo cheo gặp khuyết tật, không đảm bảo điều kiện nhân giống mới bán vào các nhà hàng.
Chị Lan bảo dù giá bán giống lên tới 10 triệu đồng/cặp bố mẹ nhưng vẫn có rất nhiều người liên hệ muốn nhập giống. Với cheo cheo thịt, mỗi ký được bán với giá 1,2 - 1,5 triệu đồng, giá rất cao so với các loại vật nuôi khác.
Để được đàng hoàng nuôi cheo cheo, chị đã xin giấy phép chăn nuôi động vật rừng nguy cấp, quý hiếm từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum. Cùng với đó, lập sổ theo dõi biến động tổng đàn để phục vụ báo cáo cơ quan chức năng khi đến kiểm tra, giám sát.
Chủ trang trại cho hay đang hướng tới mục tiêu nhân nuôi 100 cặp bố mẹ để mở rộng quy mô đàn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, cho hay đây là mô hình chăn nuôi độc đáo trong phường và cả trong tỉnh vì ngoài chị Lan chưa thấy nơi nào nuôi cheo cheo. Nghề nuôi cheo cheo mang lại giá trị kinh tế rất cao, lại góp phần bảo vệ và nhân rộng nguồn gene quý hiếm.
Theo chị Tuyền, chủ trang trại là người phụ nữ khá đặc biệt khi có sự đam mê với các loài động vật rừng. Việc bỏ thời gian nhiều năm để tìm tòi, học cách nuôi cheo cheo của chị Lan không phải ai cũng làm được nếu không đủ sự đam mê.
Đây là mô hình kiểu mẫu thành công mà hội nông dân phường rất tự hào giới thiệu cho các nơi tham quan, tìm hiểu.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho hay cơ sở nuôi cheo cheo của chị Lan đã được cấp mã số cơ sở nuôi. Việc nuôi thành công loài cheo cheo tạo ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, được khuyến khích nhân rộng. Việc phát triển mô hình nuôi động vật hoang dã như cheo cheo góp phần giảm tình trạng săn bắt trái phép trong môi trường tự nhiên. Qua đó đóng góp vào công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tại địa phương này, qua khảo sát ghi nhận loài cheo cheo có tồn tại ở các khu rừng các huyện Đăk Tô, Ia H'Drai, Kon Plông, Đăk Hà và Sa Thầy. |
Cheo cheo rừng đang suy giảm trong tự nhiên Ông Đào Xuân Thủy, giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), cho hay cheo cheo là loài được xếp vào danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Trước đây, cheo cheo xuất hiện phổ biến tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam, có phạm vi phân bố rộng từ Bắc tới Nam. Nhưng nhiều năm gần đây loài này đã khó bắt gặp hơn trong tự nhiên do suy giảm số lượng bởi nguyên nhân bị bẫy bắt nhiều. Theo ông Thủy, do đặc tính hiền lành, chậm chạp, cheo cheo dễ trở thành nạn nhân của người săn bắt thú rừng. "Trong nghiên cứu đa dạng sinh học, cheo cheo được coi như vật chỉ thị tính đa dạng của vùng rừng. Nơi nào còn nhiều cheo cheo chứng tỏ vùng rừng đó còn đa dạng giống loài khác, ngược lại những nơi không thấy cheo cheo cũng có thể hiểu rằng vùng rừng đang suy kiệt", ông Thủy nói. |