Thời gian qua, Quảng Ninh đã có sự phát triển nhất định về kinh tế di sản, nhất là du lịch di sản. Qua đánh giá từ các chuyên gia thì tiềm năng khai thác kinh tế di sản của Quảng Ninh còn dồi dào. Và để thúc đẩy kinh tế di sản phát triển hơn nữa cần có các giải pháp như nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như khuyến khích, tạo điều kiện để các tác nhân tham gia chủ động, tích cực vào kinh tế di sản. Bên cạnh đó, việc nhìn sang một số nước bạn có nền văn hóa tương đồng ở khu vực châu Á, sẽ giúp chúng ta thêm những kinh nghiệm quý.
Gắn kết với phát triển kinh tế, xã hội
Trung Quốc là quốc gia có khối di sản khổng lồ qua các triều đại phong kiến hàng ngàn năm và được thương mại hóa cao độ. Việc kết hợp giữa phát huy giá trị của di sản với ngành du lịch, vận tải, nền sản xuất hàng hóa cung ứng cho điểm di sản cũng như phát huy hiệu quả các nền tảng trực tuyến được quốc gia này coi trọng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), thì Trung Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế di sản. Đó là đánh giá và lượng hóa triệt để giá trị thị trường của di sản theo hướng giá trị được tích lũy theo thời gian. Di sản càng lâu năm càng tăng giá trị lịch sử và giá trị quá khứ để đánh giá khả năng tạo lợi ích.
Bên cạnh đó, mức đầu tư của nhà nước vào phát triển hạ tầng kinh tế di sản, như việc kết nối thuận tiện nhất giữa các trung tâm thương mại lớn với di sản với tốc độ cao nhất, điều kiện di chuyển thuận lợi nhất, chất lượng dịch vụ cao nhất và giá cả cạnh tranh nhất, đã góp phần tăng tính hứng khởi và mong muốn khám phá của đối tượng muốn thụ hưởng giá trị di sản. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp, hộ dân, cá nhân có thể tham gia phù hợp vào kinh tế di sản. Kết cấu hạ tầng hiện đại kết nối giữa các di sản để không bỏ sót nhu cầu khách hàng. Các sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế được tổ chức gắn với di sản để tạo ảnh hưởng lan toả danh tiếng di sản.
Cùng với đó, nước bạn cũng khuyến khích các doanh nghiệp, chủ thể có đủ điều kiện tham gia phù hợp vào kinh tế di sản. Mô hình hợp tác giữa trung tâm, địa điểm, địa danh di sản với các ngành liên quan như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thành chuỗi kinh tế di sản, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng được xây dựng để loại bỏ cạnh tranh thiếu lành mạnh và tuân thủ nguyên tắc lợi ích thương mại tối đa, phát triển bền vững và sự công bằng trong phân phối lợi ích.

Qua nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cũng cho hay, một giải pháp hiệu quả nữa là Trung Quốc đã phát huy tốt mạng lưới Hoa kiều ở nước ngoài với khoảng 250 triệu người để phát triển kinh tế di sản. Kết hợp giữa sự phát triển các di sản với việc quảng bá những thành công của tiến bộ công nghệ, sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, như: Tàu cao tốc, những cây cầu hiện đại nhất và dài nhất thế giới, những công trình kiến trúc độc đáo và sự phát triển công nghệ số... càng gia tăng sức hấp dẫn của kinh tế di sản từ góc nhìn hiện đại.
Kết hợp di sản với dịch vụ bổ sung
Mô hình kinh tế di sản của Thái Lan kết hợp di sản với dịch vụ bổ sung trên nguyên tắc 3S (Sightseeings, Shopping và Sexual Entertaiment). Theo đó, việc tham quan, nghiên cứu, khám phá di sản là điều kiện cần để có kinh tế di sản. Việc coi trọng khai thác các lợi ích kinh tế bổ sung được coi trọng nhiều hơn. Khoản thu từ kinh tế di sản đến từ các dịch vụ được du khách tham quan tiêu dùng, như mua sắm, vui chơi, ẩm thực, giải trí. Do đó, đầu tư vào tạo nguồn hàng phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, thủ tục xuất - nhập cảnh thuận lợi, thân thiện, di chuyển thuận lợi trở thành ưu tiên cao nhất và có các chương trình kích cầu du lịch đến với di sản độc đáo, khác biệt và các ngày hội mua sắm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, lợi ích thu được từ kinh doanh và thương mại hóa di sản trong dài hạn của Thái Lan rất lớn. Thái Lan có chiến lược nâng cao vị thế quốc gia để trở thành trung tâm cung ứng các dịch vụ hội nghị, hội thảo cao cấp của thế giới. Đây là cách thức để các di sản văn hóa đất nước đến với khách hàng. Đồng thời, Thái Lan kết nối để khai thác di sản của các nước khác nhưng sẽ bán các dịch vụ bổ sung tại Thái Lan, để di sản nước này mang lại một phần lợi ích cho nước khác.
Kinh tế di sản của Thái Lan khắc phục được tính mùa vụ của du lịch, phát huy giá trị di sản trong mọi loại thời tiết trong năm. Việc mở cửa rộng rãi và tính thân thiện, chuyên nghiệp theo quan điểm thương mại cùng với nền sản xuất có tính đặc thù cao như nông sản chất lượng cao (gạo, sầu riêng, xoài…) và sản phẩm tiêu dùng đa dạng càng tăng thêm tính hấp dẫn của kinh tế di sản Thái Lan…
Công nghiệp văn hóa là “chìa khóa”
Với Hàn Quốc, thông qua những chiến lược phát triển dài hạn, sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) đã trở thành “chìa khóa” giúp nước này tối ưu hóa giá trị kinh tế từ di sản văn hóa, đồng thời thúc đẩy hình ảnh quốc gia trên thế giới.

Tham gia tại hội thảo về phát triển kinh tế di sản tổ chức tại Vân Đồn cuối năm 2024 vừa qua, nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Hoa (Tạp chí Cộng sản) cho rằng, ngành CNVH của Hàn Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XX và ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, trọng tâm phát triển của CNVH Hàn Quốc là ngành công nghiệp nội dung số, với việc đầu tư mạnh mẽ vào các nền tảng kỹ thuật số để xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra toàn cầu. Những sản phẩm như K-pop, phim truyền hình và trò chơi trực tuyến không chỉ mang lại lợi nhuận khổng lồ mà còn giúp Hàn Quốc nâng cao vị thế quốc gia, thúc đẩy du lịch và xuất khẩu các mặt hàng như mỹ phẩm và thời trang.
Hàn Quốc chọn con đường tương đối khác biệt: “Văn hóa đi trước, kinh tế theo sau” và đã xây dựng chiến lược dài hạn để khai thác triệt để các thế mạnh của CNVH. Từ đây đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm để Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng như Quảng Ninh có thể tham khảo, học hỏi. Trước hết chính là việc xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ và toàn diện. Điều này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của CNVH Hàn Quốc, bao gồm các chính sách về tài chính, đào tạo nhân lực, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quảng bá quốc gia.
Bên cạnh đó là kinh nghiệm trong đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo chất lượng cao, đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu sản phẩm văn hóa, đồng thời khuyến khích sáng tạo và đổi mới. Hàn Quốc luôn khuyến khích sự sáng tạo không giới hạn trong ngành CNVH, đặc biệt là trong việc kết hợp nghệ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại. Cuối cùng là phát triển du lịch văn hóa gắn với CNVH. Mô hình "K-Tourism" của Hàn Quốc, có thể được tham khảo để thúc đẩy ngành du lịch và CNVH tại Việt Nam và các địa phương…
Hài hoà lợi ích giữa các bên
Ở châu Á, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia thành công trong công tác bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử theo hướng chuẩn mực, nghiêm ngặt, nhưng vẫn tạo cơ hội để di sản phát triển và tiếp biến với thời đại mới. Bà Nghiêm Thanh Thúy (Tạp chí Cộng sản) với tham luận tại Hội nghị phát triển kinh tế di sản kể trên, đã cho rằng, điều này có được là nhờ chiến lược hợp tác công - tư trong bảo tồn và phát triển theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, chính sách mềm dẻo tạo đồng thuận trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Thông qua hệ thống pháp luật và chính sách cụ thể, Nhật Bản hướng các hoạt động gìn giữ, bảo quản, phổ biến, khai thác giá trị di sản văn hóa với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội theo một khuôn khổ nhất định, có trật tự, kỷ cương, có mục tiêu, trọng điểm.
Việc phục chế, tu sửa, bảo dưỡng các công trình cổ đều phải tuân thủ các quy định kỹ thuật nghiêm ngặt. Việc xây dựng mới nhà ở và các cơ sở dịch vụ du lịch ở khu vực có cảnh quan lịch sử, văn hóa truyền thống cũng vậy, không phá vỡ tổng thể chung. Phong cách kiến trúc sẽ theo hướng truyền thống thay vì nhà cao tầng hiện đại. Nhờ vậy, các địa phương bảo tồn và giữ được đặc trưng kiến trúc cũng như cảnh quan truyền thống.
Cùng với khâu tuyên truyền rộng rãi, Nhật Bản cũng chủ trương mở rộng cơ hội để đưa người dân gắn kết hơn với di sản văn hóa và ngược lại thông qua chương trình “giáo dục học đường” và phát triển du lịch, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân có thể tiếp xúc, hưởng thụ, tìm hiểu di sản văn hóa. Từ đó tác động trực tiếp đến thái độ, tình cảm, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của người dân trước những giá trị văn hóa được sáng tạo, tích lũy từ quá khứ.
Nhật Bản đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nghệ nhân được xem là “quốc bảo”, được quan tâm đãi ngộ xứng đáng, đồng thời quan tâm đào tạo, tìm kiếm người kế thừa. Điều này giúp những giá trị văn hóa phi vật thể của Nhật Bản được giữ gìn, trở thành một dòng chảy xuyên suốt, không bị đứt gãy, mai một hay biến mất. Việc tôn trọng các nghệ nhân và thể hiện sự tôn trọng bằng những chính sách, hành động thiết thực không chỉ giúp bảo tồn các di sản, mà còn giúp các thế hệ sau có niềm tin, động lực để sẵn sàng trở thành những người kế cận tiếp nhận và lưu giữ di sản.