Dự và phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) diễn ra tại TP Đà Nẵng, sáng 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động các nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng, Trái Đất - ngôi nhà chung của nhân loại đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể, các quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường. Những thách thức to lớn đó cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức, hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ chúng ta sẽ được gìn giữ, trao quyền cho các thế hệ mai sau. Và hơn hết là để chúng ta cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”...
Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6 sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư; đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 (giai đoạn 2018-2022)...
Ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường đối với sự phát triển bền vững, nên năm 2018 này Quảng Ninh đã quyết định lấy chủ đề công tác năm của tỉnh là Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên. Thực hiện chủ đề này, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Cùng với đó, đông đảo người dân cũng đã tham gia, hưởng ứng tích cực chương trình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó, điển hình là việc cấm ngư dân sử dụng các phương tiện, ngư cụ mang tính hủy diệt trong khai thác, đánh bắt thủy sản, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Bên cạnh đó là các chương trình, phong trào “Ngày chủ nhật xanh”; chiến dịch làm sạch biển; trồng cây xanh hoàn nguyên môi trường; phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn; nạo vét hệ thống kênh mương, dòng chảy v.v.. Đặc biệt đã kiên quyết và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị gây ô nhiễm môi trường, xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên; dừng hoạt động của các lò vôi thủ công vào cuối năm 2018. Đáng chú ý, mới đây, UBND tỉnh đã từ chối đầu tư một dự án sản xuất xút trong khu công nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long), do lo ngại có thể ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long... Những chủ trương, quyết định này của Quảng Ninh đã thể hiện rõ quan điểm kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ...
Chúng ta đã có quá nhiều bài học về sự tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sản xuất - kinh doanh và đời sống dân sinh. Trong đó điển hình là sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, xã hội cho một số tỉnh miền Trung. Vì vậy, tăng cường bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển, tăng trưởng xanh là mục tiêu, phương châm hành động của chúng ta hôm nay và mai sau, vì một tương lai phát triển bền vững...
Thanh Tùng