21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2301714
649485
Kiên quyết di dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở
kien-quyet-di-dan-ra-khoi-noi-co-nguy-co-sat-lo
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Kiên quyết di dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở

Hậu quả của trận mưa lụt cuối tháng 7 đầu tháng 8-2015 đã đặt ra cho Quảng Ninh và ngành Than những yêu cầu mới về công tác phòng chống lụt bão, ổn định đời sống các khu dân cư khu vực bị ảnh hưởng cùng việc tổ chức lại việc đổ thải của ngành Than.

Hậu quả của trận mưa lụt cuối tháng 7 đầu tháng 8-2015 đã đặt ra cho Quảng Ninh và ngành Than những yêu cầu mới về công tác phòng chống lụt bão, ổn định đời sống các khu dân cư khu vực bị ảnh hưởng cùng việc tổ chức lại việc đổ thải của ngành Than.

Ngay ngày 31-7-2015, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về khắc phục hậu quả trận mưa lụt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh cần xem xét cụ thể quy hoạch dân cư một số vùng có nguy cơ về sạt lở cao trên địa bàn tỉnh như tại một số thôn, bản vùng sâu hay tại các bãi đổ thải than.

Trận mưa lụt lịch sử vừa qua đã cho chúng ta thấy, ngoài những điểm có nguy cơ sạt lở tại những thôn, bản vùng sâu, tại các bãi đổ thải than, mà những điểm úng lụt xảy ra ngay tại các phường của TP Hạ Long.

Hiện Quảng Ninh đang hoàn thành Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Mục tiêu của đề án xác định trong năm 2016 ưu tiên di dời, bố trí dân cư, phòng, tránh thiên tai tại các khu vực ngập lụt, sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần di dời khẩn cấp tới nơi an toàn. Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc di dời, bố trí, ổn định cuộc sống, sản xuất cho tất cả các hộ dân trong khu vực bị sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây nguy hiểm do thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tại cuộc họp thẩm định dự án nói trên, hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 371 vị trí sạt lở, ngập lụt nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở ngập lụt nguy hiểm, trong đó trường hợp đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm không thể khắc phục, phải di dân là 87 vị trí, tương đương với 2.138 hộ. Các địa phương đã cơ bản xác định nhu cầu quỹ đất, vị trí dự kiến tái định cư; phương án di dời tập trung, ổn định dân cư xen ghép. Tổng chi phí thực hiện đề án là gần 2.000 tỷ đồng. Việc bố trí di dân sẽ tuỳ theo tình hình thực tế tại mỗi khu vực, có thể bố trí các điểm dân cư tập trung mới hoặc xen ghép, tránh không gây biến động lớn trong đời sống nhân dân.

Cùng với xây dựng và thực hiện đề án di dân nói trên, các địa phương cần chủ động xem xét hệ thống thoát nước ở những điểm, khu vực đã xác định qua trận mưa lụt vừa qua. Công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động sản xuất, xây dựng cũng cần được tăng cường, để tránh tái diễn lụt nghiêm trọng như ở khu vực Đèo Bụt (TP Cẩm Phả) chỉ vì khu cuối nguồn thoát nước bị bồi lấp, trong đó có nguyên nhân từ việc khai thác đá.

Ngày 29-3, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng một số thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả đợt mưa lụt lịch sử vừa qua, triển khai công tác phòng chống thiên tai năm 2016 của TP Cẩm Phả.

Tại cuộc kiểm tra nói trên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu TP Cẩm Phả tiếp tục phối hợp với ngành Than và các đơn vị trên địa bàn rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở bãi thải, bờ kè, thống kê các hộ dân còn sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở tiến hành di dời ngay trước mùa mưa bão. Đặc biệt cương quyết di dời những hộ còn chưa di chuyển ra khỏi khu vực đã từng bị ngập lụt trong đợt mưa lụt năm 2015, đối với những khu vực mà các hộ dân đã di dời thì cho tiến hành san gạt mặt bằng ngay, để đảm bảo việc di dời được dứt điểm.

Nguyên Đan

Cùng chuyên mục