Chiều thứ 5 tuần vừa qua, tôi có dịp lên Hà Nội để góp thêm sức mạnh tinh thần cổ vũ cho Đội tuyển Việt Nam trong trận đấu hết sức quan trọng tiếp đón UAE ở khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Nhìn đường sá lúc nào cũng đông đúc, có thể tắc bất cứ lúc nào, nên chúng tôi quyết định bắt taxi đến gần sân vận động Mỹ Đình rồi đi bộ vào cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang Seo.
Biết “đặc sản” của Hà Nội là “không vội được đâu”, là “tắc đường” nên chúng tôi quyết định đi sớm trước hơn 3 giờ đồng hồ, dù khoảng cách đến sân vận động Mỹ Đình không xa mấy. Đón chiếc taxi từ khu vực Khuất Duy Tiến, lên xe, biết chúng tôi đi xem bóng đá, anh tài xế nói ngay: “Các anh đi vậy đến sân là vừa. Nếu lần sau có đi thì đi sớm hơn, bởi ở Hà Nội chỗ nào cũng có thể xảy ra tắc đường”. Người lái taxi xin phép không chở chúng tôi vào gần sân vận động được vì sợ tắc đường, như vậy thì cả buổi tối chạy taxi công toi vì không thể thoát ra khu vực khác để đón khách.
Đúng như lời tài xế taxi, đi được một đoạn chúng tôi gặp cảnh tắc đường, chiếc xe phải nhích lên từng mét. Vì thời tiết hôm đó mát, thi thoảng lại có mưa lâm thâm, nên tôi bảo tài xế taxi cho cửa kính xuống vừa ngắm cảnh phố phường Hà Nội, vừa hít không khí ngoài trời.
Ngay lập tức người lái taxi than thở, anh nhìn phía xa kìa, không phải sương mù đâu, bụi đấy. Mấy hôm nay thời tiết có độ ẩm cao, bụi không phát tán được nên tạo thành lớp “sương mù” bao quanh thành phố. Nhìn thì có vẻ thơ mộng, mờ mờ ảo ảo, thế nhưng đó là thứ người Hà Nội sợ nhất, ô nhiễm không khí đó.
Thời gian qua, Hà Nội liên tục có cảnh báo về ô nhiễm môi trường không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đơn cử như ngày 12/11, không khí Hà Nội ở mức nguy hại. Chỉ số không khí (AQI) ở điểm đo Nguyễn Văn Cừ lên tới 344 lúc 5h sáng, tương đương mức cảnh báo cao nhất. Trong bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số trên 300 có cảnh báo nguy hại, tương đương với mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe đối với người dân sống trong khu vực đó. Khoảng thời gian ghi nhận nồng độ PM2.5 (bụi siêu mịn) tăng cao thường vào nửa đêm và đầu giờ sáng, đây là các khoảng thời gian lặng gió, hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao, đi xa được.
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, như: Khí thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, than tổ ong còn tiếp diễn; bụi xây dựng, vận chuyển chưa kiểm soát; mùi hôi thối rác thải chưa xử lý được; đốt rơm rạ còn nhiều; khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận; chuyển mùa khiến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn trở nên trầm trọng hơn.
Nhà chức trách đã phải khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện ở bên Trung Quốc khi có thời gian người dân ở một số tỉnh, thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao đã phải bỏ tiền ra để mua không khí sạch đóng chai từ Australia, Canada… Ngày đó, tôi cứ nghĩ chuyện đó là không có thật, giờ thì ngay ở Việt Nam điều đó có thể sẽ dần hiện hữu. Đó quả thật là điều đang lo ngại, cần sớm phải có phương án giải quyết trước khi quá muộn.
Môi trường sống trong lành, không ô nhiễm là mong ước của cả nhân loại, trong đó có những người dân Việt Nam. Khi đã là ước muốn, mong chờ của tất cả chúng ta thì tại sao lại không cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường, vì đó chính là cuộc sống, sự sống còn của mỗi chúng ta và tương lai của con cháu chúng ta.
Thái Bình