Với quyết tâm chấn chỉnh lại công tác quản lý các nguồn tài nguyên khoáng sản (than, đá, đất sét, cát...) trên địa bàn, không chỉ trong năm 2016 và từ trước đó, tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo mạnh mẽ. Trong thực tế, công tác này ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp hơn. Cụ thể như TX Đông Triều - một trong những địa bàn vốn từng là “điểm nóng” về nạn “cát tặc” nay cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tại huyện Vân Đồn, thời điểm giữa năm 2016, việc khai thác cát sỏi trái phép cũng trở nên nổi cộm và đã từng bị báo chí phản ánh. Không né tránh sự thật, tỉnh đã chỉ đạo huyện làm rõ và tăng cường biện pháp quản lý. Được biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý hàng chục vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn huyện Vân Đồn.
Trước tiên, cần khẳng định sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn với mục tiêu bảo vệ môi trường đi đôi với tránh thất thoát tài nguyên. Đây không chỉ là việc làm có tính chất cấp bách trước mắt, mà còn là trách nhiệm với sự phát triển trong tương lai. Điều này càng cho thấy rõ, chúng ta tuyệt đối không vì cái lợi trước mắt.
Trở lại câu chuyện về khai thác cát ở Vân Đồn khi tăng cường quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn đã phát sinh một vấn đề liên quan tới các hộ nuôi nhuyễn thể trên địa bàn. Đó là, hàng trăm hộ nuôi ngao và tu hài không có nguồn cát xốp (cát có lẫn san hô) phục vụ cho việc xuống giống. Thực trạng này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế, thẩm định, xác định là đúng sự thật. Ngày 16-11-2016, UBND huyện Vân Đồn đã có văn bản báo cáo tỉnh và đề xuất hướng giải quyết trên cơ sở đề nghị của Hiệp hội sản xuất kinh doanh tu hài Vân Đồn. Theo đó, tại công văn số 7797/UBND-CN (ngày 29-11-2016) của UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan cùng UBND huyện Vân Đồn kiểm tra, xem xét nhu cầu thực tế cũng như đề nghị được khai thác cát của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh tu hài Vân Đồn để đề xuất UBND tỉnh giải quyết với hạn định trước ngày 20-12-2016.
Như vậy, với sự vào cuộc rốt ráo và khẩn trương của tỉnh, cái khó mà người nuôi ngao và tu hài ở Vân Đồn đang gặp phải chắc chắn sẽ được tháo gỡ. Đây không chỉ là giải quyết trước mắt, mà còn mở ra sự ổn định có tính lâu dài trong phát triển kinh tế thuỷ sản của mỗi cá nhân cũng như của địa phương. Cũng qua câu chuyện này, một lần nữa, chúng ta lại có thêm bài học về công tác quản lý ở cấp địa phương, cũng như của ngành chức năng. Nói như vậy bởi, nếu như Vân Đồn sớm nhìn nhận các yếu tố đảm bảo phục vụ cho nuôi nhuyễn thể - một thế mạnh của huyện để từ đó có những tính toán hợp lý, quy hoạch bài bản, kiểm soát, quản lý tốt thì không thể có chuyện thiếu cát “lòi” ra như hiện tại. Cùng với đó, nếu các hộ nuôi trồng cũng như Hiệp hội sản xuất và kinh doanh tu hài trên địa bàn chủ động đề xuất sớm hơn phương án nguồn cát trong sự quản lý của địa phương ngay từ khi bắt tay vào gây dựng nghề thì hẳn là không phát sinh nỗi lo như hiện tại.
Sau cùng, một lần nữa xin nhấn mạnh lại nguyên tắc của tỉnh trong vấn đề này, đó là, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để lợi dụng nhằm khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng tới môi trường - đây là điều không chỉ riêng Vân Đồn, mà tất cả các địa phương đều phải nghiêm túc thực hiện. Quyết không để “cái sảy nảy cái ung” - hẳn mỗi chúng ta đều hiểu rõ về điều này.
Ngọc Lê