Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của cộng đồng và toàn xã hội.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, nhất là việc ưu tiên nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn. Công tác xóa đói, giảm nghèo, hoạt động hướng về người nghèo luôn được tỉnh, các doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm với trách nhiệm cao. Vấn đề đặt ra là hỗ trợ gì cho người nghèo, cách thức hỗ trợ thế nào để thật sự hiệu quả?
Để giải bài toán này, trước hết cần biết người nghèo cần gì, mong gì, hình thức giúp đỡ thế nào phù hợp nhất. Thực tế những năm qua, việc hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo bằng tiền mặt, lương thực, vô hình trung khiến một bộ phận người nghèo nảy sinh tư tưởng thụ động, ỷ lại; thậm chí một số hộ nghèo không muốn thoát nghèo, không muốn ra khỏi diện hộ nghèo. Có nơi hỗ trợ tiền mặt để người nghèo tự mua phương tiện sản xuất, cây trồng, vật nuôi…, nhưng do thiếu kinh nghiệm sản xuất, làm kinh tế và kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nên không những không giúp được họ thoát nghèo mà còn “mất cả vốn lẫn lãi”, tiếp tục tái nghèo.
Thực tế trên đòi hỏi cần có một giải pháp tổng thể, căn cơ, huy động đóng góp và sử dụng hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”, giúp người nghèo thêm tự tin, nỗ lực vươn lên với phương châm “giúp cần câu chứ không cho con cá”; chú trọng khảo sát, nắm tình hình, nhu cầu, đối thoại trực tiếp với người nghèo để xây dựng phương án giúp đỡ hiệu quả. Các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc… cần tăng cường giám sát quá trình hỗ trợ sản xuất; đồng hành, giúp người nghèo chủ động vươn lên. Liên quan đến các thiết chế cơ sở, các địa phương đã ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, không đầu tư dàn trải, lãng phí.
Không chỉ tích cực vận động ủng hộ về vốn, các địa phương, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã sáng tạo, triển khai các giải pháp, mô hình hiệu quả giúp người nghèo. Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất được triển khai gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và phát triển các thương hiệu của địa phương theo Chương trình “Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền đã chú trọng tính hiệu quả đảm bảo lan tỏa đến từng hộ dân. Theo đó, người dân đã nắm bắt, hiểu rõ về các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án 196 của tỉnh, có ý thức tự lực vươn lên để thoát nghèo.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có Thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh có những đóng góp thiết thực để ủng hộ, chung tay cùng giúp đồng bào nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đợt phát động ủng hộ từ ngày 15/10 đến 31/12/2017. Ban Thường trực MTTQ tỉnh là đầu mối tiếp nhận ủng hộ của các đơn vị, cá nhân. Chương trình phát động cấp tỉnh sẽ được tổ chức trong tháng 11 này. Hiện nay, cuộc vận động đang nhận được sự hưởng ứng sâu rộng trong cộng đồng và có sức lan toả mạnh mẽ đến mọi người dân, doanh nghiệp.
Với cách làm quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả, Quảng Ninh đang từng bước chắc chắn triển khai thành công mục tiêu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2020.
Lê Hải