Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, vừa qua Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá thế giới. Việc nâng tầm di sản là cơ hội lớn cho các địa phương trong gìn giữ, bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị tương xứng tiềm năng, giá trị di sản, nhất là khi Quảng Ninh có 5 cụm, điểm di tích thuộc 3 quần thể di tích lớn trên địa bàn là Yên Tử, nhà Trần và Bạch Đằng.

Ở mức độ thấp hơn, ghi dấu trong công tác bảo tồn di sản những tháng đầu năm vừa qua, ngành văn hoá tỉnh đã hướng dẫn kiểm kê, tổ chức Hội đồng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt thêm 4 di tích kiểm kê bổ sung vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đó là Khu di tích lưu niệm Trung đoàn 5 Yên Tử và di tích chùa Vĩnh Thực, đều thuộc phường Yên Tử hiện nay; đình An Biên, nay thuộc phường Đông Triều; Nhà lưu niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc, nay thuộc phường Móng Cái 1. Đây là cơ sở để khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ công nhận di tích các cấp và tiến hành tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích.
Gần đây, 2 di tích trong số này đã được đầu tư xây dựng khang trang, là điểm du lịch, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Trong đó, Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 5 Yên Tử đã khánh thành vào dịp tháng 4 vừa qua cùng với Công bố Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh “Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 5 Yên Tử”. Công trình được xây dựng trên diện tích 2,2ha đất tại phường Yên Tử từ nguồn xã hội hóa, gồm nhiều hạng mục, như: Đền thờ với không gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; ban thờ riêng các Anh hùng liệt sĩ của 5 tỉnh, thành, Tiểu đoàn Cát Bi, Tiểu đoàn Hải Đà. Khuôn viên công trình dự án còn có chùa Hộ Quốc, nhà thờ Tổ, đền thờ Mẫu…
Cũng vào tháng 4 vừa qua, Nhà tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc đã khánh thành, bàn giao cho địa phương quản lý, với tổng mức đầu tư hơn 8,4 tỷ đồng, do Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam tài trợ. Công trình bao gồm Nhà tưởng niệm và các công trình phụ trợ (cổng, tường rào, sân đường nội bộ, cây xanh). Trong đó, Nhà tưởng niệm gồm 3 gian: Gian chính giữa là không gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc; 2 gian bên là không gian trưng bày về chiến công của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trưng bày về cuộc đời hoạt động của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc.
Nối tiếp các công trình tu bổ, tôn tạo di tích từ trong năm 2024 trên địa bàn TP Hạ Long trước khi bỏ cấp huyện, thời điểm này, có 1 công trình đã khánh thành vào đầu năm nay, đó là Công trình tu bổ, tôn tạo đền Bà Chúa (nay thuộc phường Hồng Gai). Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 23,7 tỷ đồng từ xã hội hóa, phần nội thất khoảng 2,18 tỷ đồng. Một số công trình đang khẩn trương thi công, đi vào hoàn thiện, như: Dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ; mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai); Dự án tu bổ, tôn tạo, mở rộng và phát huy giá trị di tích đền thờ vua Lê Thái Tổ (phường Hoành Bồ); Dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi đình Làng Bang (xã Thống Nhất). Các công trình xây dựng đều được triển khai theo hướng xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân...

Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành văn hoá cũng đã xây dựng hồ sơ, trình UBND tỉnh đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử đền, chùa Kênh Giang, nay thuộc phường Đông Triều. Tham mưu cho UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ để xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với đình, miếu Phong Cốc, nay thuộc phường Phong Cốc; đang lập hồ sơ để xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Khu di tích lịch sử Vũng Đục, tại phường Cẩm Phả hiện nay.
Ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, vừa qua Quảng Ninh cũng được công nhận thêm 4 di sản trong Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số lên 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát đối vùng biển Quảng Ninh; tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa của người Sán Chỉ; tri thức dân gian nghệ thuật may trang phục truyền thống của người Sán Chỉ và tri thức dân gian nghệ thuật may và trang trí trên trang phục của người Dao Thanh Phán, với phạm vi phân bố tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Với các nghệ nhân là những “di sản sống”, tại hội nghị vào đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh cũng đã thông qua danh sách 16 nghệ nhân, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ để công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2025. Trong đó, có 3 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, 13 hồ sơ đề nghị xét tặng “Nghệ nhân Ưu tú”, thuộc các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Hát nhà tơ, hát múa cửa đình; hát đối; hát chèo; truyền dạy và hát Soọng cô của người Sán Dìu; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tại một số địa phương cả ở khu vực miền Tây và miền Đông của tỉnh.