Những năm gần đây, ngành du lịch đã rất quan tâm đẩy mạnh các hoạt động du lịch tâm linh, coi đây như là một hướng phát triển của du lịch bền vững. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi với một mạng lưới đền, chùa, miếu mạo phân bổ rộng khắp các địa phương, và cùng với đó là hàng trăm lễ hội phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, du lịch tâm linh thực sự là loại hình du lịch có thế mạnh ở Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Thế nhưng, dường như với du lịch tâm linh, đối tượng du khách chủ yếu vẫn là “khách nội”, số du khách là người nước ngoài thường chiếm tỷ lệ rất ít. Đặc biệt là vào mùa lễ hội sôi động nhất diễn ra vào dịp mùa xuân sau Tết Nguyên đán, trong những đoàn người lũ lượt kéo về các lễ hội, bóng dáng “khách Tây” hầu như rất hiếm gặp…
Có nhiều lý do khiến khách nước ngoài không hào hứng với du lịch tâm linh nói chung, du lịch mùa lễ hội nói riêng, ở Việt Nam; nhưng trong đó có một lý do dễ thấy khiến họ e ngại nhất, đó là sự nhộn nhạo, chen lấn, mất trật tự ở các lễ hội của ta. Nói thực, chỉ cần xem thông tin, hình ảnh chen chúc nhau, đạp lên đầu nhau để tranh lộc, tranh ấn v.v.. tại một số lễ hội gần đây ở các địa phương được đăng tải trên báo chí, các trang mạng xã hội v.v.. thì liệu còn vị khách nước ngoài nào dám đến nữa?
Nhưng lại có một điều mừng với Quảng Ninh, đó là trong bối cảnh chung ấy, các lễ hội ở Quảng Ninh không rơi vào tình trạng “mất kiểm soát”. Không những thế, các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đều đảm bảo khá tốt an ninh, trật tự, thể hiện được nét đẹp văn hoá. Hay như người Quảng Ninh vẫn tự hào nói rằng, chuyện chen lấn xô đẩy trong các lễ hội, chuyện người ăn mày, ăn xin làm phiền du khách v.v.. thực sự đã “xưa rồi” với Quảng Ninh! Chính điều đó đã tạo sức hút với du khách nước ngoài! Không phải ngẫu nhiên, con số du khách nước ngoài tham gia các tour du lịch tâm linh ở Quảng Ninh những năm gần đây đang ngày một tăng cao hơn. Theo số liệu thống kê, trong số 1,374 triệu lượt khách lên Yên Tử từ đầu năm đến nay có tới 95.000 lượt khách là người nước ngoài, tăng tới 230% so với mọi năm. Đây là một tín hiệu vui cho du lịch Quảng Ninh. Và ở một góc độ nào đó, nó cũng cho thấy việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nét đẹp văn hoá của người Quảng Ninh. Có thể nói, điều này là rất đáng ghi nhận và phát huy…
Nói như vậy để thấy, du lịch tâm linh, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, ngoài những lợi ích về kinh tế, còn có những lợi ích không thể đo đếm được bằng tiền, đó là sự quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hoá truyền thống bản địa. Và việc hút khách nước ngoài tới các lễ hội là cách quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất những nét đẹp văn hoá ấy. Tất nhiên, đó là khi các lễ hội tự bản thân nó đã đẹp rồi. Mà điều này có vẻ như Quảng Ninh đã có những chuyển biến rất rõ rệt. Hy vọng, từ đó, du lịch tâm linh sẽ “có đất” phát triển; “khách Tây” sẽ đến với lễ hội ta nhiều hơn…
Trung Luận