Ngày 19-7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Du lịch tổ chức hội nghị kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn thực phẩm với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Tham gia hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các đơn vị khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch và một số cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp...
Có thể nói đây là một sáng kiến hay của các đơn vị tổ chức, một việc làm “nhất cử lưỡng tiện” vừa có lợi cho các đơn vị, hộ sản xuất nông nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các đơn vị kinh doanh du lịch, đặc biệt là đối với các nông sản chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vốn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ trên thị trường...
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đã cấp 677 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và hơn 4.000 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, còn có 25 sản phẩm OCOP được xếp hạng phân loại sản phẩm từ 2 đến 5 sao. Đây là những cơ sở có tiềm năng để cung cấp ra thị trường nhiều loại nông sản sạch, có giá trị, mang đặc trưng địa phương, vùng miền...
Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn tại TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận; tham gia các diễn đàn về an toàn thực phẩm nông sản; phối hợp với các cơ quan truyền thông quảng bá, giới thiệu các nông sản. Nhờ đó, một số nông sản của tỉnh đã có mặt trong các kênh phân phối đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và các cửa hàng tiện ích khác. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong nội tỉnh rất tiềm năng, nhất là phục vụ cho ngành du lịch với hàng ngàn khách sạn, nhà hàng, nhiều trung tâm, điểm du lịch mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách cả trong và ngoài nước thì lại chưa thực sự được chú trọng. Mà phần lớn việc tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn được thực hiện chủ yếu thông qua các kênh phân phối như chợ, thương lái v.v.. Rõ ràng cách làm này mang lại hiệu quả thấp, tính bền vững không cao, đặc biệt là đã không phát huy, gắn kết được giữa sản xuất nông sản với phát triển du lịch - một thế mạnh của tỉnh...
Bởi vậy, với mô hình, phương thức kết nối vừa được triển khai chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích to lớn cho các bên. Tin tưởng vào cách làm này, tại hội nghị, đại diện một số cơ sở sản xuất nông sản có uy tín, thương hiệu trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn đến các đơn vị kinh doanh du lịch. Cùng với đó, đại diện một số khách sạn lớn cũng thông tin về quy trình tiếp nhận, sử dụng thực phẩm để các nhà sản xuất, cung cấp đưa nông sản vào tiêu thụ; xây dựng kênh phân phối; nhu cầu tiêu thụ nông sản. Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp, cách thức nhằm đẩy mạnh đưa nông sản vào tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở du lịch...
Tại hội nghị, các đại biểu còn được chứng kiến việc ký kết hợp đồng nguyên tắc về tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất và một số nhà hàng, khách sạn. Cùng với đó, các cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Du lịch, Sở Công Thương và Sở Y tế đã ký quy chế phối hợp về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách du lịch trên địa bàn...
Tin tưởng rằng, từ sự kết nối và cam kết trên, các nông sản sạch, có chất lượng, các sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ có cơ sở để phát triển mạnh, tiêu thụ với khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho du lịch và dân sinh trên địa bàn...
Thanh Tùng