Mới đây, phường Phương Nam (TP Uông Bí) đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm vải chín sớm - một nông sản đặc trưng của địa phương - cho các hộ sản xuất trên địa bàn. Đông đảo các hộ trồng vải, đại diện các cơ quan chuyên môn, các địa phương trồng vải tại vùng vải Bình Khê (Đông Triều), huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và nhiều đơn vị, đầu mối tiêu thụ vải trong và ngoài tỉnh đã tham dự hội nghị.
Tại đây, nhiều hộ sản xuất, thu mua, tiêu thụ vải đã nêu những ý kiến, đề xuất cần mở rộng diện tích trồng vải trong thời gian tới, có các giải pháp thu mua, tiêu thụ sản phẩm ổn định để nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy hiệu quả của vùng sản xuất vải tập trung. Đặc biệt, tại hội nghị, đại diện TP Uông Bí, phường Phương Nam đã đưa ra những cam kết đồng hành, hỗ trợ người dân, các đơn vị thu mua tiêu thụ sản phẩm vải của địa phương, trong đó chú trọng đến việc dán tem, nhãn mác, đóng gói, bảo quản sản phẩm…
Hiện tại, vải chín sớm Phương Nam đang được trồng trên diện tích khoảng 315ha tại 8/14 thôn, khu của phường, tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung với sản lượng đạt được trong những năm gần đây khoảng 1.000 tấn/năm. Sản phẩm vải chín sớm Phương Nam đã có thương hiệu trên địa bàn Quảng Ninh và khu vực lân cận; sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể. Và hiện tại vải chín sớm Phương Nam là một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh, được đông đảo người dân tín nhiệm, ưa dùng…
Có lẽ Phương Nam là một trong số ít địa phương cấp phường, xã tổ chức được hội nghị xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn. Đây là cách làm hay, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bao tiêu sản phẩm, góp phần đảm bảo ổn định cho việc tiêu thụ nông sản (vải chín sớm) của nông dân, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm và thu nhập cho người dân. Đặc biệt với cách làm này sẽ khắc phục được tình trạng được mùa mất giá đối với sản phẩm vải chín sớm nói riêng và các nông sản khác nói chung, như đã từng diễn ra phổ biến đối với nhiều loại nông sản…
Vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nhất là đối với nông sản luôn là nỗi lo canh cánh của nhiều người sản xuất và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Và khi có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành như ở Phương Nam, tin rằng bài toán về tiêu thụ nông sản cho người nông dân sẽ sớm có lời giải hữu hiệu, mang lại hiệu quả cao và niềm vui cho người dân…
Mặc dù vụ vải năm nay của phường Phương Nam bị ảnh hưởng nặng nề của trận mưa lụt lịch sử trong năm 2015 vừa qua, nhưng do có các giải pháp khắc phục kịp thời, nên dự kiến sản lượng vải chín sớm năm nay có thể tăng hơn năm trước vài trăm tấn. Niềm vui được mùa này cộng với sự quan tâm đồng hành của chính quyền địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực khích lệ người dân chăm lo, phát triển đối với sản phẩm đặc trưng của Phương Nam. Và hy vọng các địa phương khác cũng coi đây là cách làm, kinh nghiệm hay trong việc thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân…
Thanh Tùng