Đến Quảng Đức (Hải Hà)- một trong 22 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, chắc hẳn nhiều người sẽ rất ngỡ ngàng về điều kiện hạ tầng của xã. Đường 340 lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh vừa được nâng cấp mở rộng cũng chính là tuyến đường vào trung tâm xã và một số thôn của xã; toàn xã đã có 12/19km đường liên thôn được bê tông hóa, rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất, giao thương, đi lại của người dân trên địa bàn. Về thủy lợi thì các tuyến kênh mương, 2 đập chứa nước của xã đều đã cứng hóa đảm bảo phục vụ đủ nước cho sản xuất 2 vụ trong năm; điện lưới cũng đã được đưa về đến các thôn bản với tỷ lệ người dân trên địa bàn xã sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,1%; trường học, trạm y tế xã đều đã được đầu tư đạt chuẩn…
Nhìn tổng thể so với rất nhiều xã khác trên địa bàn huyện Hải Hà và trong tỉnh thì điều kiện giao thông, hạ tầng phục vụ cho sản xuất Quảng Đức thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng Quảng Đức hiện đang là xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn và để hỗ trợ cho xã này đến năm 2019 thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, huyện Hải Hà khái toán cần khoảng 52 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi công cộng phục vụ dân sinh; 11,795 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ gia đình ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Theo Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đức Phòng Nhục Phí thì cái khó của Quảng Đức hiện không nằm ở hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất thấp kém nhưng vẫn đề nghị tỉnh, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, điện lưới, cải thiện nhà ở hộ nghèo, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học, xây dựng trụ sở làm việc của xã….
Đối với xã miền núi, biên giới với đặc thù về điều kiện địa hình chia cắt, phân tán nên có được hệ thống cơ sở hạ tầng như Quảng Đức hôm nay là sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh trong thời gian qua. Lời giải bài toán thoát nghèo, vượt khó với Quảng Đức chắc chắn không nằm ở sự tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng mà ở chính ý chí vươn lên, chính từ sự chủ động biết khai thác, tận dụng sự thuận lợi về vị trí có cửa khẩu Bắc Phong Sinh, trong vùng phụ cận của các dự án đầu tư chăn nuôi bò Móng Cái, KCN Texhong Hải Hà, Hải Yên, có tài nguyên thiên nhiên là đất đai rộng lớn, phì nhiêu để phát triển kinh tế của người dân, chính quyền địa phương.
Từ Quảng Đức nhìn rộng ra trong số 22 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, hầu hết hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi đều đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt, giao thương của người dân. Tất nhiên còn có những thôn, bản điều kiện đi lại còn khó khăn, hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt thiếu thốn, nhưng đấy đã không còn là nguyên nhân chính dẫn đến cái đói, cái nghèo.
Tỉnh Quảng Ninh đã có nghị quyết riêng về hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, để trong cùng 1 tỉnh người dân được hưởng những thành tựu mà phát triển kinh tế- xã hội đem lại, để rút ngắn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương và dành nguồn lực hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho các xã này cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên.
Trong các cuộc làm việc với một số xã đặc biệt khó khăn, xã khó khăn của tỉnh thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã nêu vấn đề: Thời điểm này đã khác 10- 20 năm về trước, 100% xã trên toàn tỉnh đã có đường bê tông nhựa đến trung tâm xã, 100% xã đã có điện lưới quốc gia, các điều kiện hạ tầng khác phục vụ cho đời sống, sản xuất về cơ bản đáp ứng yêu cầu, vì thế không thể cứ nêu lý do nghèo là do cơ sở hạ tầng yếu kém để đề nghị kinh phí đầu tư. Đường có đẹp, kênh mương có thẳng tắp, trường học, trạm y tế có đạt chuẩn nhưng tính ỉ lại trông chờ nhà nước vẫn như cũ thì nghèo vẫn cứ hoàn nghèo, xã khó khăn mãi vẫn cứ khó khăn. Vậy nên trước hết phải chuyển tư duy, đừng nặng về đầu tư hạ tầng mà hãy "cứng hóa" tư duy phát triển sản xuất, tự lực tự cường của mỗi người dân và chính quyền cơ sở.
Ngọc Lan