Khởi nghiệp hay startup đang lan tỏa rất mạnh mẽ trong cộng đồng. Không chỉ có người trẻ háo hức với startup mà ở rất nhiều người trung niên, người cao tuổi cũng bắt đầu với hành trình khởi nghiệp.
Khái niệm “khởi nghiệp” đã tồn tại từ rất lâu và đã diễn ra ở nhiều quốc gia từ hàng trăm năm nay. Câu chuyện về những doanh nhân khởi nghiệp thành công trên thế giới đã thổi bùng khát khao hành động bắt đầu một nghề nghiệp, thành lập một doanh nghiệp để kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó trong rất nhiều startup. Nhất là trong hội nhập và phát triển toàn cầu hiện nay đã tạo động lực kích thích, thôi thúc rất nhiều người trẻ gia nhập cuộc chơi, tìm hướng kinh doanh, bắt đầu một công việc và tự làm chủ những ý tưởng kinh doanh. Nhưng làm thế nào để khởi nghiệp thành công?
Trên cả nước hiện đang có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng đa số vẫn đang ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Khả năng cạnh tranh hạn chế nhất là khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước, khi họ đã có thời gian dài phát triển, mạng lưới quan hệ và đối tác rộng khắp thì các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất cụ thể trong triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025”. Đó là, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh.
Xây dựng ban hành cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển, trong đó có các nội dung chi phù hợp với khởi nghiệp sáng tạo như chi cho đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tham gia các vườn ươm/khu làm việc chung nổi tiếng trên thế giới; cho các hoạt động của đại diện khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tại một số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cho phép việc tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đối với các nội dung quan trọng như tìm hiểu thị trường, thuê chuyên gia, trả công lao động và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới.
Xây dựng tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ việc thành lập, hoạt động của các câu lạc bộ, mạng lưới các "nhà đầu tư thiên thần" trong nước và kết nối với mạng lưới các "nhà đầu tư thiên thần" toàn cầu để tăng cường đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài Việt Nam…
Cùng với các cơ chế của Trung ương, mỗi địa phương đều xây dựng những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Như đối với Quảng Ninh là, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; thành lập 2-3 câu lạc bộ khởi nghiệp; thu hút vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân và các tập đoàn lớn trong tỉnh cùng với hỗ trợ của tỉnh và trung ương cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; liên kết giữa các cộng đồng khởi nghiệp trong tỉnh và liên kết cộng đồng khởi nghiệp trong nước với cộng đồng khởi nghiệp khu vực và quốc tế; thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tập trung vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2020 của tỉnh thông qua việc hỗ trợ ban đầu từ chính quyền địa phương: Hình thành 2 cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hướng dẫn, hỗ trợ từ 10-20 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển từ 5-10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Có thể khẳng định cơ chế chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp luôn sẵn sàng, vấn đề doanh nghiệp đón nhận như thế nào, sẵn sàng tinh thần khởi nghiệp để thành công.
Ngọc Lan