Đợt mưa lũ những ngày qua đã khiến cho 3 xã, 2 thôn của tỉnh bị chia cắt, cô lập với bên ngoài. Cụ thể, tại huyện Ba Chẽ do tuyến tỉnh lộ 330 xảy ra 20 điểm ngập gây chia cắt 3 xã Thanh Sơn, Minh Cầm, Lương Mông, hệ thống điện lưới từ thị trấn đi các xã trong huyện bị mất, hệ thống mạng internet hoạt động chập chờn. Các lực lượng ứng cứu di chuyển từ trung tâm huyện lên và từ Bắc Giang xuống đều bị tắc do các ngầm tràn nước lũ về dâng cao không thể đi qua được nên việc tiếp cận với 3 xã này rất khó khăn.
Tại huyện Hoành Bồ cũng do nước lũ từ các ngầm tràn dâng cao, đường bị đất đá sạt lở vùi lấp đã khiến 2 thôn là Khe Phương (xã Kỳ Thượng) và Phủ Liễn (xã Đồng Sơn) bị chia cắt cô lập hoàn toàn. Theo lãnh đạo huyện Hoành Bồ do hệ thống thông tin liên lạc không được tốt nên việc giữ thông tin giữa huyện và 2 thôn này cũng bị gián đoạn.
Trong khi lực lượng ứng cứu chưa thể tiếp cận để có giải pháp hỗ trợ, việc ứng phó với thiên tai của các địa phương này phải lấy trọng tâm 4 tại chỗ để triển khai thực hiện. Đặc biệt là sự bình tĩnh trong chỉ huy tại chỗ, huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ để đối phó kịp thời và khắc phục có hiệu quả. Theo phản ánh từ các xã Lương Mông, Minh Cầm, Thanh Sơn (Ba Chẽ) trong 2 ngày qua mặc dù bị cô lập nhưng do quán triệt tốt phương án tại chỗ nên cán bộ, nhân dân trên địa bàn đã không bị động trước mưa lũ, tinh thần của bà con nhân dân ổn định, đời sống không bị xáo trộn nhiều, dù rằng thiệt hại do thiên tai gây ra là không thể tránh khỏi, nhưng về cơ bản các xã đều đã cố gắng để giảm thiểu được thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đến ngày 15-8, nước lũ đã rút, tình trạng cô lập ở các xã của Ba Chẽ đã cơ bản được khắc phục, còn tại Hoành Bồ, lực lượng chức năng đã tiến hành dọn dẹp đất đá đảm bảo giao thông đến 2 thôn Khe Phương và Phủ Liễn. Để kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ. Thường trực Tỉnh uỷ đã quyết định trích 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng cho Ba Chẽ và Hoành Bồ.
Theo đánh giá của BCĐ PCTT&TKCN Trung ương thì Quảng Ninh là tỉnh khá đặc thù trong phòng chống thiên tai bởi tỉnh vừa có các xã, thôn khu vực miền núi chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vừa có các thôn, xã bãi ngang khu vực ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, thuỷ triều dâng, vừa có hệ thống hầm mỏ khai thác than chịu ảnh hưởng của cả mưa, bão lũ. Do chịu tác động trực tiếp từ tất cả các hình thái thiên tai nên phương châm ứng phó tốt nhất được tỉnh quán triệt trong những năm qua là chủ động 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng. Trong đó 4 tại chỗ được diễn tập thực tế đến tận thôn, khu, khe bản để sẵn sàng ứng phó khi tình huống, sự cố xảy ra. Và tinh thần ứng phó với sự cố thiên tai do mưa lũ và sạt lở đất trong 2 ngày qua tại 3 xã của Ba Chẽ và 2 thôn của Hoành Bồ đã cho thấy 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng cần luôn luôn xác định là trọng tâm trong phòng chống thiên tai.
Ngọc Lan