Với người dân Hạ Long, Cẩm Phả những núi đất đá thải do quá trình khai thác than bồi đắp trong hàng thế kỷ qua chẳng khác gì những ngọn núi lửa treo trên mái nhà. 6 bãi thải lớn của ngành Than đang hoạt động, với lượng đất đá đổ thải từ các mỏ lộ thiên mỗi năm từ 250-300 triệu m3 và gần 1,3 triệu m3 xít thải từ các nhà máy tuyển than đã khiến những núi đất đá thải này ngày càng được bồi đắp cao hơn.
Cộng với đó, các mỏ lộ thiên khai thác ngày càng xuống sâu, lượng đất đá thải bốc xúc nhiều hơn nên các ngọn “núi lửa” này cũng ngày càng chót vót hơn. Hậu họa từ các bãi thải này gây ra người Hạ Long, Cẩm Phả đều đã nếm trải. Còn nhớ trong đợt mưa lụt lịch sử năm 2015 cả khu dân cư của phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) đã chìm nghỉm trong bùn đất chỉ trong vòng 10 phút do bờ kè bãi thải Đông Cao Sơn bị vỡ đất đá trôi xuống vùi lấp, hoạt động mỏ than Mông Dương buộc phải ngưng trệ hoàn toàn. Ngược thời gian trở lại tháng 7-2006 cũng tại Cẩm Phả sau trận mưa lớn hàng nghìn m3 đất đá từ khu bãi thải của Công ty CP Than Cọc Sáu đã ào qua đập Khe Dè tràn xuống san phẳng 6 ngôi nhà, nhấn chìm 2ha đất vườn đồi của người dân. Không chỉ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho tính mạng người dân, những bãi thải này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Sau đợt mưa lụt lịch sử năm 2015, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã khẩn trương lập đề án xử lý các bãi thải mỏ ngành Than, trong đó đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí hạ thấp độ cao các bãi thải mỏ. Mới đây nhất, tỉnh đã có chủ trương sử dụng đất đá ở các bãi thải phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn. Theo phương án này sẽ có khoảng 500 triệu m3 đất đá từ các bãi thải sẽ được vận chuyển đi để phục vụ đắp, san nền các dự án. Và điều kiện để đưa được lượng đất đá thải này ra khỏi bãi thải đã được tính toán khá kỹ lưỡng để vừa đảm bảo môi trường, cảnh quan, an toàn. Đặc biệt gần đây khi nhà đầu tư đề nghị làm tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn, tỉnh cũng đã bàn phương án sử dụng đất đá bãi thải từ khai thác than vào san lấp mặt bằng phục vụ dự án này. Theo đó thay vì thu khoảng 500 tỷ đồng tiền đất từ dự án, tỉnh đồng ý để lại cho nhà đầu tư số tiền đó để nghiên cứu thiết bị, hình thức vận chuyển đất đá từ bãi thải than ra để san lấp mặt bằng.
Ai cũng biết những bãi thải đất đá ở Quảng Ninh được hình thành do quá trình khai thác than từ hàng trăm năm nay, tập trung chủ yếu ở vùng Hạ Long, Cẩm Phả. Và càng về sau, quy mô các bãi thải càng lớn và cao do các mỏ đều tăng sản lượng, trong khi hệ số bóc gỡ đất đá để lấy một tấn than cũng ngày một tăng - trung bình 8 - 10 tấn đất đá/tấn than nguyên khai. Tại Hạ Long, từ trên cầu Bãi Cháy nhìn sang phía Hòn Gai, những bãi thải của các Công ty Than, như Hà Tu, Núi Béo, Hà Lầm, Hòn Gai đang vây quanh thành phố. Còn tại TP Cẩm Phả đi dọc QL18A ngẩng đầu là những núi đất đá thải lừng lững của Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu.
Để cắt tầng, thu hẹp được các bãi thải đang “ngoác mồm” phía sau các đô thị Hạ Long, Cẩm Phả theo tính toán của các chuyên gia cần hàng nghìn tỷ đồng và rất nhiều thời gian, cộng với các phương án vận chuyển đất đá từ bãi thải mỏ ra các dự án phải thật khoa học, bài bản. Việc này đã vượt khỏi tầm xử lý của một địa phương, một ngành. Nhưng khó không có nghĩa ngóng chờ trung ương giải quyết, thời gian gần đây tỉnh Quảng Ninh đang rất nỗ lực tìm các giải pháp để xử lý bãi thải mỏ ngành Than. Việc chỉ đạo sử dụng đất đá bãi thải mỏ trong san lấp mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng hay chủ trương đổi cơ chế tiền đất bằng nghiên cứu phương pháp và vận chuyển đất đá bãi thải mỏ ra san lấp mặt bằng dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn... khẳng định cách làm rất Quảng Ninh trong giải quyết những nhiệm vụ khó. Điều quan trọng hơn với Quảng Ninh trong hạ độ cao, khoanh vùng, thu hẹp các bãi thải ngành Than, đó là sự an toàn cho vùng đất du lịch đang phát triển vô cùng sôi động.
Ngọc Lan