Xây dựng nông thôn mới đang được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, tổng lực trên cả nước, với gần 40% số xã trên toàn quốc đạt chuẩn nông thôn mới. Thành quả của xây dựng nông thôn mới đã hiển hiện ở tất cả các làng quê Việt Nam, có tác động tích cực không chỉ đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương mà còn là động lực tăng trưởng mới đối với ngành nông nghiệp, là sợi dây gắn kết, thắt chặt hơn nữa sự sẻ chia giữa thành thị với nông thôn, giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa nông dân với nhau. Thi đua về đích nông thôn mới, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đang được nhân dân ở các thôn, xã triển khai rất tích cực.
Trong khí thế thi đua chung của phong trào xây dựng nông thôn mới thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình đồng loạt trong toàn tỉnh và đã có 2 địa phương được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (TX Đông Triều và huyện Cô Tô). Trong giai đoạn 2017-2020, quan điểm trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới mà tỉnh đề ra là tập trung cho cơ sở, gắn xây dựng nông thôn mới với thực hiện đồng bộ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020 và Đề án đưa 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi Chương trình 135. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 với 20 tiêu chí, 53 chỉ tiêu; Bộ tiêu chí “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”, “Khu dân cư (thôn) nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu nông thôn mới”, “Hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” làm cơ sở để triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn toàn tỉnh.
Mục tiêu đặt ra năm 2018 sẽ có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới và mục tiêu này đã được các địa phương vào cuộc rất tích cực, quyết liệt. Từng tiêu chí, chỉ tiêu đều được rà soát, đánh giá rất kỹ để tập trung nguồn lực hoàn thành. Tuy nhiên từ thực tiễn thực hiện tại cơ sở nên khi rà soát với từng chỉ tiêu, tiêu chí đã phát sinh những bất cập cần tháo gỡ, nhất là với 7 xã có các chỉ tiêu khó hoàn thành trong năm 2018.
Cụ thể, xã Hoành Mô (Bình Liêu) hiện có 3 tiêu chí khó có thể hoàn thành là: Nhà văn hóa xã (chưa khởi công do còn chờ vốn), môi trường và an toàn thực phẩm, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Ngọc Vừng (Vân Đồn) thiếu chỉ tiêu chợ, nhà văn hóa xã chưa triển khai do đang chờ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa thành lập được HTX nên không thực hiện được tiêu chí tổ chức sản xuất, tiêu chí về môi trường và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cũng chưa thực hiện được. Xã Bản Sen (Vân Đồn) thiếu tiêu chí cứng là trung tâm văn hóa thể thao và chợ nông thôn (do đang chờ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500), tiêu chí về giao thông, trường học đang xây dựng và cũng thiếu tiêu chí về môi trường và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. 3 xã Hiệp Hòa, Sông Khoai, Liên Hòa (TX Quảng Yên) cũng đang rất khó khăn trong thực hiện tiêu chí về trường học, trung tâm văn hóa thể thao do đang xây dựng, để được công nhận đạt chuẩn còn phải mất nhiều thời gian. Xã Bằng Cả (Hoành Bồ) khó khăn trong thực hiện các tiêu chí mềm như thu nhập, hoạt động HTX hiệu quả, môi trường, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Gỡ khó cho các xã về đích nông thôn mới năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương, cơ sở rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí thực hiện. Và để gỡ khó đối với việc thực hiện các tiêu chí “cứng” về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các địa phương cần tập trung nguồn lực, tranh thủ, đẩy nhanh tiến độ công trình, đối với các tiêu chí “mềm” liên quan đến ý thức tham gia của người dân cần tăng cường và có biện pháp hiệu quả hơn trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia và làm chủ trong xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Lan