Cách đây 61 năm, vào năm 1958, ngày 20/11 lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc với tên gọi ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”.
Khi nước Việt Nam thống nhất, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam và đến ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167-HĐBT quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Ngày 20/11/1982, bởi thế là ngày lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể đầu tiên của cả nước.
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thực ra, trước khi có các quyết định của Chính phủ quy định về Ngày Nhà giáo Việt Nam, dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học “tôn sư trọng đạo” từ lâu đời. "Tôn sư trọng đạo" là sự phản ánh tinh thần đề cao vai trò người thầy giáo trong xã hội và sự hiếu học, coi trọng kiến thức của nhân dân. Có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao đề cao vai trò “Tôn sư trọng đạo” của cha ông ta, như: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng do thầy, nửa chữ cũng do thầy), “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”, "Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm trường tương lai”, "Công cha, áo mẹ, chữ thầy/ Gắng công mà học có ngày thành danh”...
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, từ các hoàng đế đến những danh nhân, danh tướng, hiền sĩ… thành danh đều gắn bó mật thiết với những người thầy có tâm, có đức mà phần này các chính sử đều ghi chép khá chi tiết. Lý Thường Kiệt thuở nhỏ theo học thầy Lý Công Ẩn ở phường Bái Ẩn (Kẻ Bưởi bây giờ), được thầy rèn cặp, ông kiêm tài văn võ. Vua Lý Thái Tổ lập nên cơ nghiệp có công sức dạy dỗ từ nhỏ của sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ. Thời Trần, nhiều người làm đến quan lớn, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát vốn là học trò của thầy giáo Chu Văn An. Thời Lê - Mạc, nhiều người làm đến thượng thư như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Giáp Hải… là nhờ có công lớn rèn rũa, giáo dục của thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đáng mừng và tự hào là “Tôn sư trọng đạo” - nét đẹp truyền thống văn hoá quý báu ấy của dân tộc Việt Nam, cho dù đất nước trải qua giai đoạn binh lửa, khó khăn nhưng luôn được thấm nhuần, lưu truyền từ đời này sang đời khác trong mỗi gia đình, dòng họ và bao trùm hơn cả là dân tộc. Người hâm mộ đội tuyển bóng đá Việt Nam và ngay cả báo chí khi viết về Huấn luyện viên trưởng đội tuyển - ông Park Hang Seo luôn dùng chữ “thầy Park” đầy trìu mến và trân trọng. Tại sao bao đời huấn luyện viên cả nội và ngoại trước đó của đội tuyển không được gọi như vậy? Mấu chốt chính là “thầy Park” đã đánh thức tiềm năng, niềm tự hào dân tộc của các cầu thủ Việt Nam, nhất là xây dựng ý thức tổ chức, kỷ luật đối với mỗi cầu thủ để họ trở thành một khối đoàn kết vì màu cờ sắc áo, vì niềm tự hào Việt Nam.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, vẫn còn nguyên giá trị cần tiếp tục được bồi đắp, phát huy.
Đại Dương