Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Ðầu tư cùng các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho TKV. Trong đó lưu ý chính sách về các loại thuế liên quan đến ngành Than (thuế suất, giá tính thuế tài nguyên, thuế nhập khẩu than) trong giai đoạn khó khăn để bảo đảm cạnh tranh, giữ vững thị trường và năng lực sản xuất của ngành Than; các giải pháp về tái cấu trúc của TKV để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ðề xuất cơ chế xuất khẩu than cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 để ngành Than chủ động điều hành sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ðồng thời khuyến khích các hộ sử dụng than trong nước để giảm tồn kho, sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, ổn định việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn...
Trong các năm gần đây, đặc biệt là thời điểm hiện nay, TKV đã và đang phải đối mặt với những khó khăn gay gắt, sản lượng than tồn kho đã lên tới 12 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chính dẫn đến nhiều khó khăn và tồn kho lớn là do nhu cầu năng lượng cũng như giá bán than trên thị trường thế giới đều giảm, trong đó giá bán than giảm trên 30%. Trong khi đó các loại thuế, phí liên quan đến ngành Than lại tăng, chiếm tới khoảng 15% giá thành, cùng với đó than tiêu thụ trong nước còn phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng. Ðặc biệt, đối với than xuất khẩu tổng số thuế chiếm tới 35% giá thành tấn than, trong khi thuế nhập khẩu than lại bằng 0%. Ðiều này đã khiến cho việc xuất khẩu than ra bên ngoài gặp khó khăn do không cạnh tranh được về giá, ngược lại than nhập khẩu vào trong nước lại quá thuận lợi do không phải chịu thuế nhập khẩu. Ðiều này càng làm cho lượng than tồn kho trong nước tăng lên cao, bởi nhiều hộ sử dụng than đã chuyển sang dùng than nhập khẩu do có lợi thế về giá mua...
Cùng với đó, một số nguyên nhân gián tiếp khác cũng làm cho khó khăn của TKV thêm gay gắt. Cụ thể là điều kiện khai thác ở các mỏ lộ thiên ngày càng xuống sâu, cung đường vận chuyển lớn, tỷ trọng than hầm lò tăng mạnh, số lượng lao động phổ thông, phụ trợ nhiều... đã đẩy chi phí sản xuất, giá thành lên cao, gây ra những bất lợi trong cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. Giá bán than giảm mạnh, gần như chạm đáy, cộng với lượng than tồn kho lớn đã kéo giảm doanh thu và lợi nhuận, ảnh hưởng đến khả năng cân đối tài chính và tái đầu tư của toàn ngành...
Ðứng trước những khó khăn, bất lợi này, ngay từ đầu năm 2016, TKV đã chủ động thực hiện các giải pháp khắc phục, như tiếp tục tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất, điều hành sản xuất theo nhu cầu của thị trường và thậm chí phải thực hiện cả những giải pháp không mong muốn như cắt giảm sản lượng, lao động, giãn việc v.v..
Với quan điểm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là với một đơn vị lớn, có truyền thống gắn bó lâu đời với tỉnh, thời gian qua Quảng Ninh đã luôn sát cánh cùng với TKV trong việc tháo gỡ khó khăn cho đơn vị. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh để lắng nghe, trao đổi và quyết định những giải pháp gỡ khó cho TKV trong phạm vi, quyền hạn được phép. Với những nội dung, vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của tỉnh, Quảng Ninh đã cùng với TKV chủ động đề xuất lên Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã kịp thời có những chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho TKV, như kết luận mới đây của Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng.
Chắc chắn với chỉ đạo trên của Chính phủ, những khó khăn, vướng mắc của ngành Than sẽ sớm được xem xét giải quyết, tạo điều kiện cho TKV phát triển hiệu quả, ổn định việc làm, thu nhập và đời sống người lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, toàn ngành và từng đơn vị thành viên cũng cần phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tự gỡ khó cho mình trong điều kiện có thể, nhất là việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới tạo ra được sức mạnh tổng hợp để vượt qua khó khăn, thách thức...
Thanh Tùng